Vượt biển cứu sống sản phụ băng huyết sảy thai lưu

Thế Nam 10/04/2025 19:05

Xuất hiện đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo nhiều, một thai phụ được cấp cứu, nghi ngờ băng huyết sau sảy thai lưu.

Ngày 09/4/2025, Phòng khám Đa khoa khu vực Quan Lạn - Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, Quảng Ninh tiếp nhận trường hợp cấp cứu sản khoa đặc biệt.

Cụ thể, bệnh nhân P. T. T (45 tuổi, trú tại thôn Tân Phong, xã Quan Lạn), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo nhiều nghi ngờ băng huyết sau sảy thai lưu gần 8 tuần.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được xử trí cấp cứu ban đầu và hội chẩn khẩn với Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Vượt biển cứu sống sản phụ băng huyết sảy thai lưu- Ảnh 1.
Thai phụ 8 tuần được cấp cứu lưu động bằng xuồng vượt biển ngay trong đêm.

Xác định đây là trường hợp băng huyết nguy kịch, Trung tâm đã khẩn trương kích hoạt đội cấp cứu lưu động di chuyển bằng xuồng cấp cứu vượt biển để chi viện ngay trong đêm.

Kíp cấp cứu do BSCKI. Bùi Thanh Tuấn – Phó Trưởng khoa CSSKSS & Phụ sản làm kíp trưởng, cùng nữ hộ sinh Phạm Thị Yến đã nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân và triển khai các biện pháp hồi sức tích cực: Bù khối lượng tuần hoàn bằng dịch truyền; Cầm máu, dùng thuốc tăng co tử cung; Hút buồng tử cung để lấy sạch sản dịch, tổ chức còn sót. Sau khoảng 30 phút xử trí, tình trạng sản phụ cải thiện rõ rệt: mạch huyết ổn định, niêm mạc hồng trở lại, bệnh nhân tỉnh táo và có thể tiếp xúc tốt.

Ngay sau đó, sản phụ được chuyển về Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn để tiếp tục theo dõi và điều trị chuyên sâu.

BSCKI. Bùi Thanh Tuấn – Phụ trách khoa CSSKSS và Phụ sản, trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho biết, băng huyết là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Việc cấp cứu thành công trong trường hợp này là nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến, tinh thần phản ứng nhanh và chuyên môn vững vàng của toàn bộ đội ngũ y tế.

Để phòng ngừa các tai biến sản khoa nguy hiểm như băng huyết, sản phụ cần: Khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong thai kỳ (3 tháng đầu, giữa, cuối). Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm tầm soát dị tật; Bổ sung sắt, acid folic theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng thiếu máu; Có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý khi có các dấu hiệu bất thường như ra huyết âm đạo, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.


Thế Nam