Vì sao liên tiếp cháy rừng ở nhiều địa phương?
Từ đầu tháng 4 tới nay, do điều kiện thời tiết bất lợi, hanh khô kéo dài đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng tại các địa phương như Hà Giang, Quảng Ninh, Hạ Long, Hải Phòng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc...
Cháy rừng ngùn ngụt ở Tam Đảo
Khoảng 6ha rừng sản xuất thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc cháy ngùn ngụt trong đêm 15/4. Cảnh PCCC địa phương này đang phối hợp với lực lượng chức năng, người dân khoanh vùng dập lửa. Tính đến sáng nay (16/4). khoảng hơn 30ha rừng sản xuất tại xã Đạo Trù đã bị thiêu rụi.Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân đốt lá cây, lớp thực bì dày gặp gió gây ra cháy rừng trồng. Tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động cảnh sát PCCC&CNCH các cấp phối hợp với chính quyền sở tại và người dân địa phương tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập lửa.

Phòng ngừa nguy cơ cháy rừng bằng cách nào?
Ông Trần Mạnh Long, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Cục đang ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS phát triển hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Hệ thống này đưa ra các thông báo về cấp độ nguy hiểm có thể xảy ra theo từng phân vùng rừng địa phương, gắn với bản đồ hiện trạng rừng, qua đó cảnh báo cho địa phương nguy cơ cháy rừng. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở dựa vào các yếu tố chính để dự báo là nhiệt độ, độ ẩm và địa phương.Phía Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cũng chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành các văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng.Để phòng chống cháy rừng hiệu quả, các địa phương cần phát dọn sạch thảm thực bì tại các đai rừng - khu vực dễ bắt lửa, đồng thời kiểm soát chặt người ra vào rừng trong cao điểm mùa khô. Các địa phương cần chủ động cập nhật thường xuyên thông tin về cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng và điểm cháy từ ảnh vệ tinh để kiểm tra, xác minh, từ đó kịp thời ứng phó và tổ chức phương án chữa cháy nếu có đám cháy rừng xảy ra.Chủ rừng, người dân sinh sống, hoạt động ven rừng, trong rừng cần chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết, khí hậu, thực hiện tốt công tác dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao đặc biệt là vào đợt cao điểm mùa hanh khô để kịp thời thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.Cùng với đó, chủ rừng cần chủ động lập các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Chủ rừng, cơ sở, người dân sinh sống, hoạt động ven rừng, trong rừng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý chặt chẽ trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; thường xuyên nghiên cứu, tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy rừng.Chủ rừng phải tổ chức thường trực phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác tự kiểm tra, tuần tra kiểm soát tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng và triển khai xử lý có hiệu quả an toàn; thường xuyên dọn dẹp, làm giảm các thảm thực bì, các vật liệu cháy, đảm bảo khoảng cách an toàn tại các khu vực rừng có các đường dây truyền tải điện đi qua; trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng như: Dao phát tạo đường băng cản lửa, vỉ dập lửa, cuốc, xẻng, máy bơm chữa cháy, máy thổi gió, nguồn nước phục vụ chữa cháy...Người dân cần phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng khi đốt nương, làm rẫy, dọn dẹp thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng.Cụ thể, nên dọn dẹp tiến hành đốt vào lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải thông báo với chính quyền địa phương; trong khi đốt phải chia các vật liệu cháy thành từng nhóm nhỏ và xử lý lần lượt, quá trình đốt phải bố trí đầy đủ người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.