Xâm hại hình ảnh học sinh trên MXH: Những hậu quả khôn lường

Đỗ Vi 16/04/2025 09:26

Vụ việc đau xót tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nơi những khuôn mặt ngây thơ của các nữ sinh bị cắt ghép một cách tàn nhẫn vào những hình ảnh khoả thân rồi lan truyền trên mạng xã hội, đã khơi dậy sự phẫn nộ tột độ trong cộng đồng.

Nữ sinh trường chuyên là nạn nhân của trò đồi bại trên mạng

Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ việc liên quan đến đạo đức và an ninh mạng trong môi trường học đường. Một số phụ huynh có con gái đang theo học tại trường Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) bàng hoàng phát hiện hình ảnh khuôn mặt con gái mình bị cắt ghép vào các hình khỏa thân rồi lan truyền trên mạng xã hội.

Nghi vấn ban đầu hướng đến một nam sinh cùng trường, người được cho là đã thực hiện hành vi cắt ghép và phát tán những hình ảnh nhạy cảm này, thậm chí có thông tin về việc mua bán các sản phẩm đồi trụy này.

Sự việc gây phẫn nộ và lo lắng sâu sắc trong cộng đồng phụ huynh, những người không chỉ lo sợ về tổn thương tâm lý mà con em mình phải gánh chịu mà còn bức xúc trước hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của các em.

Xâm hại hình ảnh học sinh trên MXH: Những hậu quả khôn lường- Ảnh 1.
Hình ảnh nhạy cảm phát tán trên mạng xã hội liên quan đến việc nam sinh Trường Chuyên Lê Quý Đôn cắt ghép ảnh nữ sinh.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Ban giám hiệu Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã khẩn trương vào cuộc xác minh. Vụ việc đã được trình báo lên cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa, hiện đang tiến hành điều tra để làm rõ nguồn gốc hình ảnh, xác định đối tượng, động cơ và mức độ vi phạm. Trong quá trình điều tra, nhà trường cũng đang phối hợp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho các học sinh bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường giáo dục về an toàn mạng và kỹ năng tự bảo vệ trên không gian trực tuyến cho toàn bộ học sinh.

Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng và sự cần thiết của việc bảo vệ trẻ em một cách toàn diện.

"Con dao vô hình" trên mạng có thể đẩy học sinh vào vực thẳm tâm lý

ThS. Nguyễn Viết Hiền - giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là thành viên Ban chấp hành Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hậu quả khôn lường mà vụ việc này có thể gây ra.

Bà Hiền cho rằng, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn gióng lên hồi chuông báo động về một hình thức xâm hại tinh thần tinh vi, giáng đòn tâm lý hiểm ác lên những tâm hồn non trẻ và dễ tổn thương nhất.

"Đây là một dạng xâm hại tâm lý công nghệ cao, để lại những vết sẹo vô hình nhưng vô cùng sâu sắc trong tâm trí các em học sinh đang ở lứa tuổi vị thành niên đầy nhạy cảm", bà Hiền nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm điều trị tâm lý cho nhiều học sinh cấp THCS và THPT, ThS. Nguyễn Viết Hiền chia sẻ, bà đã chứng kiến những tổn thương nghiêm trọng mà các em phải gánh chịu khi trở thành nạn nhân của hành vi cắt ghép ảnh tàn nhẫn. Ngay khi phát hiện sự thật đau đớn, các em có thể trải qua những phản ứng sang chấn cấp tính, từ trạng thái sốc, thẫn thờ đến những cơn khóc nghẹn, thậm chí tê liệt cảm xúc. Nỗi sợ hãi và xấu hổ có thể bao trùm, khiến các em né tránh mọi giao tiếp, thu mình lại trong vỏ bọc cô đơn, và giấc ngủ cũng trở thành nỗi ám ảnh với những cơn ác mộng và hoảng loạn bất ngờ.

Không chỉ dừng lại ở những tổn thương tức thời, hành vi xâm hại hình ảnh còn có nguy cơ gây ra những rối loạn tâm lý tiềm ẩn, âm thầm gặm nhấm sự tự tin và niềm vui sống của các em. Nỗi lo sợ bị phán xét, bị bạn bè nhìn thấy những hình ảnh đó có thể dẫn đến chứng lo âu xã hội, khiến các em né tránh mọi hoạt động tập thể, ngại giao tiếp và dần đánh mất những mối quan hệ bạn bè trong sáng. Sự tự ti, mặc cảm tội lỗi và mất đi hứng thú với cuộc sống có thể đẩy các em vào vực thẳm của trầm cảm, thậm chí nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân.

Đáng lo ngại hơn, những hình ảnh kinh hoàng có thể ám ảnh tâm trí các em, gây ra rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) với những hồi tưởng đau đớn và trạng thái cảnh giác quá mức.

ThS. Nguyễn Viết Hiền đặc biệt lưu ý đến sự "biến dạng" trong nhận thức về bản thân mà các em có thể phải đối mặt. Các em có thể trở nên ghê sợ chính cơ thể mình, đánh mất hoàn toàn sự tự tin và hình thành những rối loạn trong cách nhìn nhận về cơ thể, thể hiện qua những hành vi như tránh né việc soi gương hay từ chối mặc những trang phục bình thường.

Hậu quả của hành vi xâm hại hình ảnh không chỉ dừng lại ở những tổn thương tâm lý cá nhân, mà còn có thể kéo theo những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và tương lai của các em. Sự mất lòng tin vào người lớn, thầy cô và cả hệ thống bảo vệ trẻ em có thể khiến các em cảm thấy đơn độc và bất lực. Những mục tiêu cá nhân dần bị bỏ rơi, động lực học tập cũng theo đó mà tan biến. Các em có xu hướng thu mình, ngại giao tiếp và thậm chí có những hành vi chống đối xã hội.

ThS. Nguyễn Viết Hiền nhấn mạnh rằng, những tổn thương thứ cấp từ môi trường xung quanh cũng góp phần khoét sâu thêm vết thương lòng của các em. Những bình luận ác ý, miệt thị trên mạng xã hội, những phản ứng thiếu tinh tế, vô cảm từ người lớn, cùng với hiệu ứng đám đông tò mò và phán xét, có thể khiến các em cảm thấy không còn nơi nào an toàn để nương tựa về mặt tinh thần.

Nhìn nhận một cách nghiêm túc những tổn thương tinh thần mà các em học sinh phải gánh chịu từ hành vi tưởng chừng như "ảo" trên mạng xã hội, ThS. Nguyễn Viết Hiền khẳng định, bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nghĩa vụ đạo đức và xã hội thiêng liêng của mỗi người lớn. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay hành động một cách quyết liệt để ngăn chặn tận gốc những hành vi xâm hại tàn độc này, đồng thời dang rộng vòng tay đồng hành, thấu hiểu và chữa lành những vết thương lòng cho các em - những nạn nhân vô tội trong thế giới ảo đầy rẫy hiểm nguy.

Đỗ Vi