Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những nguy cơ sức khỏe khi dùng phải sữa giả

Đan Tâm 16/04/2025 12:47

"Tôi hoang mang và lo lắng. Không biết trong thời gian qua mình đã vô tình đưa những chất gì vào cơ thể và liệu có gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe hay không?", bà P. 51 tuổi ở Hưng Yên bồn chồn sau khi cơ sở sản xuất sữa giả được lực lượng công an phát hiện.

Sau hơn 1 năm sử dụng sản phẩm sữa với niềm tin sẽ tốt cho xương khớp, bà P.B.P (51 tuổi, trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên- tên nhân vật đã được thay đổi (PV)) bàng hoàng khi biết mình đã dùng phải sữa giả, không rõ thành phần, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, bà P. cho biết: "Khoảng hơn 1 năm trước, tôi thường xuyên đau lưng. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi loãng xương nhẹ. Với mong muốn mau khỏi bệnh, tôi đã tìm đến một cửa hàng bán thực phẩm chức năng gần nhà và được giới thiệu sử dụng sản phẩm sữa Sure IQ Sure Gold. Tin tưởng vào lời tư vấn, tôi đã mua 3 hộp với giá 1,4 triệu đồng và sử dụng".

Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những nguy cơ sức khỏe khi dùng phải sữa giả - Ảnh 1.
Sản phẩm mà bà P. đã sử dụng được Cơ quan công an công bố là sữa giả. Ảnh: CACC

Sự việc chỉ vỡ lở khi cơ quan công an triệt phá một đường dây sản xuất sữa giả và công bố danh sách các sản phẩm liên quan. Trong đó có loại sữa mà bà P. từng sử dụng.

"Tôi hoang mang và lo lắng. Không biết trong thời gian qua mình đã vô tình đưa những chất gì vào cơ thể và liệu có gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe hay không?", bà P. lo ngại.

Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những nguy cơ sức khỏe khi dùng phải sữa giả - Ảnh 2.
Bà P.B.P. hoang mang khi biết bản thân đã sử dụng phải sữa giả. Ảnh: Đan Tâm.

Hiện tại, loại sữa giả này đã bị thu hồi và các cửa hàng không còn bày bán. Tuy nhiên, ký ức về việc vô tình sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn là nỗi ám ảnh đối với bà P. và gia đình.

"Tôi mong các cơ quan chức năng, cơ quan công an sớm hoàn tất điều tra, xử lý cương quyết không để tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng", bà P. chia sẻ thêm.

Trước đó, theo điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 8/2021, nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường nội địa, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đứng đầu đã thành lập Công ty Rance Pharma (địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Hacofood Group (địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội). Mục đích của việc thành lập này là để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả mạo.

Nhóm này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại, bao gồm cả các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Mặc dù trên nhãn mác công bố các thành phần giá trị như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó..., nhưng thực tế điều tra cho thấy hoàn toàn không có những chất này trong sản phẩm.

Các đối tượng đã tự ý bỏ bớt nguyên liệu đầu vào, thay thế và bổ sung thêm các chất phụ gia không đúng quy định. Cơ quan công an xác định chất lượng của một số chỉ tiêu trong sữa bột chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ căn cứ để kết luận đây là hàng giả.

Uống sữa giả có thể gây tổn thương sức khỏe âm thầm

Theo TS. Lê Thị Hương Giang, Trưởng khoa Tiết chế Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, việc sử dụng sữa giả không chỉ khiến người tiêu dùng mất tiền oan, mà còn tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ về sức khỏe:

Thứ nhất, khi thành phần dinh dưỡng không đúng như công bố, người dùng sẽ không nhận được lợi ích sức khỏe như kỳ vọng. Ví dụ, nếu sản phẩm không có tổ yến hay đông trùng hạ thảo như quảng cáo thì không thể có tác dụng tăng cường miễn dịch, bồi bổ cơ thể. Đây là hành vi gian dối thương mại và có thể gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người bệnh.

Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những nguy cơ sức khỏe khi dùng phải sữa giả - Ảnh 3.
Theo TS. Lê Thị Hương Giang, Trưởng khoa Tiết chế Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an dùng sữa giả có thể gây tổn thương sức khỏe. Ảnh: NVCC

Thứ hai, việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và bổ sung phụ gia không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: Dị ứng, ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính; rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, tổn thương gan thận. Thậm chí có nguy cơ tích lũy kim loại nặng, chất độc hại, ảnh hưởng nội tiết và sự phát triển thần kinh – đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em.

Thứ ba, khi chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn, sữa sẽ không còn là nguồn cung cấp năng lượng và vi chất hiệu quả. Người sử dụng, đặc biệt là bệnh nhân hoặc người cao tuổi, có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu, khiến tình trạng bệnh lý nền trở nên trầm trọng hơn.

"Điều nguy hiểm là các tổn thương do sữa giả gây ra thường diễn tiến âm thầm, khó phát hiện sớm. Nhiều người chỉ nhận ra vấn đề khi bệnh đã tiến triển nặng," TS. Giang nói.

TS. Giang khuyến cáo người dân nên lựa chọn sản phẩm sữa từ các thương hiệu uy tín, có chứng nhận của cơ quan y tế, và đặc biệt không nên tin vào lời quảng cáo không kiểm chứng.



Đan Tâm