Bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ mắc thoát vị bẹn

Hiền Nguyễn (CDC Phú Thọ) 16/04/2025 12:52

Đây là một trong số ít những trường hợp thoát vị bẹn xảy ra ở bé gái, bởi tỷ lệ mắc thoát vị bẹn chủ yếu là ở bé trai, nhất là những bé bị sinh non, thiếu tháng.

Bé gái 9 tuổi, trú tại Khu Mít 1, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gia đình đưa bệnh nhi tới khám tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn với tình trạng có khối sưng vùng bẹn phải, khối to lên khi chạy, nhảy. Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị thoát vị bẹn bẩm sinh, được chỉ định phẫu thuật nội soi để khâu kín lỗ thoát vị.

Bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ mắc thoát vị bẹn- Ảnh 1.
BSCKI. Nguyễn Văn Huê, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa, TTYT huyện Tân Sơn thăm khám cho bệnh nhi sau phẫu thuật.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và nhanh chóng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ ngoại khoa và gây mê hồi sức. Sau gần 1 giờ, ê kip phẫu thuật đã thực hiện khâu kín lỗ thoát vị cho bệnh nhi thành công, an toàn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục và ổn định, vết mổ khô, nhỏ, khi lành hầu như không để lại sẹo.

Thoát vị bẹn là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ. Tỉ lệ mắc bệnh ở bé trai thường cao hơn so với bé gái. Đối với bé gái, bệnh thường có biểu hiện ban đầu là xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn. Khối phồng này sẽ lan đến vùng mu-môi lớn ở bé gái.

Kích thước khối phồng có sự gia tăng khi trẻ vận động mạnh, quấy khóc, chạy nhảy, ho và thường tự biến mất khi trẻ nằm yên. Khi nhấn vào phần ống bẹn thường sẽ sờ được khối thoát vị. Trong trường hợp khối thoát vị bị nghẹt không thể quay về ổ niêm mạc, điều này là nguyên nhân khiến vùng u phồng có thể bị sưng đau kèm theo việc xuất hiện của những cơn đau quặn bụng dữ dội. Trẻ có cảm giác khó chịu dẫn đến quấy khóc nhiều, buồn nôn và nôn.

BSCKI. Nguyễn Văn Huê, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, Phú Thọ cho biết: "So với mổ mở, mổ nội soi vết mổ nhỏ, an toàn và không ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành, đảm bảo tính thẩm mỹ cao hơn.

Trường hợp bệnh nhi trên rất may mắn khi được phẫu thuật điều trị sớm và đã tránh được nguy cơ hoại tử tổ chức thoát vị. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thoát vị bẹn nghẹt sẽ gây hoại tử buồng trứng, trường hợp xấu nhất là phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên chủ quan cho rằng bệnh có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên, càng không nên đợi đến khi trẻ lớn mới đưa đi phẫu thuật bởi bệnh lý này chỉ có thể được điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật và trẻ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Trường hợp phát hiện khối phồng to ở vùng bẹn, bìu ở trẻ em, bố mẹ cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, tư vấn và phẫu thuật điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng nguy hiểm.



Hiền Nguyễn (CDC Phú Thọ)