Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid quảng cáo '100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi'

Thái Bình 16/04/2025 16:24

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, thổi phồng sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ thành 'thần dược' chữa tự kỷ; sản phẩm sữa Hikid quảng cáo '100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi'...

Trong công văn gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội do TS Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm ký ban hành, Cục An toàn thực phẩm trích dẫn bài báo phản ánh Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ "thổi phồng" thành "thần dược" chữa bệnh tự kỷ. Cơ sở được phản ánh trong bài báo nêu trên nằm trên địa bàn TP Hà Nội.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid quảng cáo '100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi'- Ảnh 1.
Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ được quảng cáo "'hổi phồng' thành 'thần dược' chữa bệnh tự kỷ Ảnh: V.O.V

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo vi phạm sản phẩm được nêu trong bài báo (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng có văn bản yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra sản phẩm sữa Hikid vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã nhận được phản ánh trên báo chí về việc sản phẩm sữa Hikid quảng cáo trong một clip, so sánh "100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi".

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm vi phạm đã nêu trong bài viết.

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra sản phẩm sữa Hikid quảng cáo '100g Hikid bằng 20 lít sữa tươi'- Ảnh 2.
Fanpage “Hikid Vietnam” sử dụng hình ảnh bác sĩ để khuyên dùng sản phẩm sữa Hikid. (Ảnh chụp màn hình) Ảnh Báo Công thương.

Trước đó, như Sức khỏe và Đời sốngthông tin Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất quy mô lớn sữa bột giả chuyên sản xuất sữa cho bà bầu, trẻ nhỏ với 573 sản phẩm giả.

Về nội dung này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng về việc rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.

Đồng thời có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường hậu kiểm đối với các nhóm thực phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây phát hiện vi phạm, những sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em...

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kiểm tra về hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo… phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Liên quan vụ sữa giả vừa được phát hiện, Bộ Y tế khẳng định: "Với vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án.

Vụ việc đang trong quá trình điều tra. Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn, nhằm đảm bảo có đủ căn cứ pháp lý để xử lý đúng người, đúng tội; truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan".

Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo phân cấp, vấn đề hậu kiểm là UBND các tỉnh phụ trách. Nghị định 15 đã phân cấp toàn bộ từ tiếp nhận công bố, quảng cáo, kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm…là cơ quan chuyên môn của UBND các tỉnh phụ trách.

Hàng năm, Cục An toàn thực phẩm có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TP HCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Thái Bình