Giám đốc Sở ATTP TPHCM: 'Ưu tiên lo cho khách tới dự đại lễ 30/4'
Thanh Giang•17/04/2025 05:05
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TPHCM vừa có cuộc trò chuyện với Sức khỏe và Đời sống về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong những ngày diễn ra đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Dịp này, lãnh đạo Sở ATTP TPHCM đã kêu gọi người dân thành phố chung tay đảm bảo ATTP, ưu tiên lo cho các khách trong và ngoài nước tới dự đại lễ.PV: Thưa bà, công tác đảm bảo ATTP trên toàn địa bàn thành phố trong dịp đại lễ sắp tới đã được chuẩn bị ra sao?Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ở mỗi sự kiện đều có phần lễ và phần hội, trong đó phần hội không chỉ có vui chơi, giải trí mà luôn đính kèm với ẩm thực. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước lần này là đại lễ, với sự hiện diện của nhiều khách quý trong và ngoài nước.Với quy mô tổ chức hoành tráng, đại lễ còn là dịp để du khách trong và ngoài nước tụ hội về, cũng là dịp để người dân thành phố chứng kiến và hòa mình vào sự kiện. Vì vậy, đảm bảo ATTP trong dịp đại lễ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.Chúng tôi đã chuẩn bị phương án bảo đảm ATTP. Cụ thể là các nguyên liệu thực phẩm tươi sống, nguyên liệu chế biến, bao gói sẵn... được sử dụng hằng ngày trên toàn địa bàn được đảm bảo an toàn dựa trên nguyên tắc tự công bố và hậu kiểm.
Bên cạnh đó, dịp đại lễ lần này cũng trùng với tháng hành động vì ATTP, diễn ra từ 15/4 tới 15/5, với thông điệp chính là "Bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố". Nói cách khác, tháng hành động lần này hướng tới mục tiêu bảo đảm ATTP khu vực đông người, phù hợp với dịp đại lễ sắp diễn ra.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TPHCM trong một cuộc kiểm tra chợ đầu mối. Ảnh: Thanh GiangTrong khuôn khổ tháng hành động, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát các bếp ăn tập thể trường học, công ty, nhà máy ... để đề phòng trước và kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.Trong tháng vừa qua, đã có các vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở một số trường học. Chúng tôi đang khẩn trương xử lý và trong tuần này sẽ có kết luận.Nói vậy để thấy rằng, đảm bảo ATTP cho người dân thành phố là việc làm thường xuyên, liên tục và phải hết sức cảnh giác, đề phòng, không lơ là. Điều này không chỉ cần thiết với cơ quan chức năng mà cả với người tiêu dùng. Cách tiêu dùng thông minh và đề cao sự an toàn lên trên hết của từng người dân thành phố là yếu tố quan trọng để làm nên hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn.PV: Được biết, trong khuôn khổ đại lễ, TPHCM đã và sẽ mời rất nhiều khách quý, cũng như chiêu đãi trọng thể. Sở ATTP TPHCM làm gì để đảm bảo thực phẩm an toàn?Bà Phạm Khánh Phong Lan: Từ nay cho tới 30/4, trên địa bàn TPHCM sẽ có rất nhiều hoạt động. Ví dụ như các dịp khánh tiết, tiệc chiêu đãi chào đón khách quý, hay quá trình thao dượt, duyệt binh ...Từ giữa tháng 3/2025 tới nay, TPHCM đã đón tiếp các đoàn khách quý đến từ các tỉnh, thành trên cả nước, những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975 ... Việc đón tiếp bao gồm lưu trú, đi lại, thăm các di tích và ăn uống.Do đó, Sở ATTP phải bảo đảm các bữa ăn luôn được an toàn cho tất cả các đoàn khách. Ngoài lực lượng tại trụ sở, chúng tôi còn huy động nhân sự từ các đội quản lý ATTP đóng trên các địa bàn quận, huyện để tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời phải bảo đảm ATTP của từng nhà hàng tham gia phục vụ khách, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, nhà hàng làm cam kết ATTP và lưu mẫu để theo dõi...Nói vậy để thấy, ngoài công tác đảm bảo ATTP thường nhật, từ giữa tháng 3 tới nay, cả Sở ATTP phải làm việc nhiều hơn. Và từ nay tới khi đại lễ hoàn tất, toàn nhân sự Sở ATTP trực chiến 100%, không giải quyết nghỉ phép trường hợp nào.PV: Đối với công tác đảm bảo ATTP, thời tiết nóng là một thách thức, xin bà chia sẻ thêm vấn đề này?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tháng 4 là tháng rất nóng ở TPHCM, lại là thời điểm nhiều lễ hội diễn ra liên tiếp với đông người tham dự. Đa số khách mời tham dự dịp đại lễ lần này là người lớn tuổi. Trong khi đó, tham gia sự kiện thì nhịp sinh hoạt sẽ khác xa thường nhật, từ việc di chuyển tới việc ăn uống. Tổng hợp các yếu tố đó với nhau, chúng tôi đánh giá nguy cơ rất cao.
Hoạt động kiểm tra của Đội quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Ảnh: Thanh Giang.Vì vậy, trong dịp đại lễ này, ngoài nỗ lực từ phía Sở ATTP, chúng tôi tha thiết kêu gọi người dân thành phố ưu tiên lo cho khách trước.Theo đó, người dân chủ độngtự bảo đảm ATTP cho mình, cho gia đình mình. Ví dụ như tại nhà thì lựa chọn nguyên liệu ở nơi tin cậy, chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống cẩn thận; khi ra ngoài ăn uống thì chú ý tìm nơi đủ điều kiện ATTP... Điều này hết sức quan trọng đối với công tác đảm bảo ATTP cho dịp đại lễ. Bởi khi người dân thành phố an toàn thì cơ quan chức năng sẽ tập trung được nhiều nguồn lực để lo chăm sóc các khách mời tham gia sự kiện. Hiện Sở ATTP và hệ thống các quận, huyện ở TPHCM đang hết sức tập trung thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.PV: Đối với vấn đề thức ăn đường phố, bà có khuyến cáo gì với người dân và du khách trong dịp lễ hội này?Dịp đại lễ lần này cũng có điểm thuận lợi là trong những ngày chính lễ, cả học sinh lẫn công nhân đều được nghỉ. Như vậy là mối lo về bếp ăn công nghiệp phục vụ các nhà máy, xí nghiệp và trường học được tạm gác lại. Tuy nhiên, có điểm khó là thức ăn đường phố sẽ bùng nổ trong những ngày này. Lâu nay, Sở ATTP không ngừng thực hiện các chương trình vận động, hướng dẫn người bán thức ăn đường phố thực hiện quy trình đảm bảo ATTP như: đeo găng tay, sử dụng găng tay đúng cách, bảo quản thực phẩm an toàn...Và trong dịp đại lễ này, chúng tôi vẫn khuyến khích người dân thành phố và du khách chủ động đảm bảo ATTP với thức ăn đường phố, lựa chọn thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh...Theo quy định hiện hành, loại hình buôn bán thức ăn đường phố không thuộc diện đăng ký cấp phép. Vì vậy, câu chuyện ATTP mới chỉ dừng lại ở mức độ hướng dẫn, khuyến khích và khuyến cáo. Tuy nhiên, Sở ATTP vẫn cùng với chính quyền cơ sở cấp xã, phường nắm sát tình hình buôn bán thức ăn đường phố...PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!