Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn các bệnh lý tim mạch, đột quỵ
Ứng dụng AI được đưa vào khám chữa bệnh đã giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác hơn các bệnh lý tim mạch, đột quỵ… Đây là thông tin được công bố tại hội thảo khoa học chuyên đề "Cập nhật mới nhất về các ứng dụng lâm sàng CT phổ" được tổ chức tại Bệnh viện E.
Chia sẻ tại hội thảo TS.BS Phan Thảo Nguyên – Phó Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, trong những năm gần đây, chẩn đoán hình ảnh phát triển nhanh chóng với các tiến bộ vượt bậc về công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm cho ra các kết quả chụp lâm sàng của người bệnh nhanh chóng, chính xác, đồng thời hỗ trợ các bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh.
"Cắt lớp vi tính phổ (Spectral CT) là một công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh y học. Nhờ đó, hệ thống có thể tạo ra các hình ảnh với chất lượng cao, mang lại thông tin chi tiết và chính xác hơn về mô và cấu trúc bên trong cơ thể. Đây là một bước tiến quan trọng giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng chính xác hơn"- BS Nguyên nói.
BSCKII Nguyễn Minh Châu – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện E cho biết, hệ thống Spectral CT7500 là hệ thống CT hiện đại, được ứng dụng trí tuệ nhân tạo và là hệ thống CT phổ đầu tiên được lắp đặt tại phía Bắc, giúp người dân được tiếp cận và hưởng lợi từ những thành tựu y học hiện đại trên thế giới.
"Chỉ trong 1 tháng tại Bệnh viện E đã có gần 500 ca thực hiện chụp CT phổ, trong đó có 45% chụp mạch vành, 13% chụp động mạch chủ, 13% chụp ung thư toàn thân, còn lại là chụp não, phổi và nhiều bệnh lý khác. Như vậy, nhu cầu người bệnh được chỉ định chụp CT phổ để có kết quả chính xác giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị là rất lớn"- BS Châu nói
Cũng theo BS Châu, đơn cử một số ca lâm sàng mà các bác sĩ thực hiện chụp CT phổ cho người bệnh đã đem lại những hiệu quả thiết thực như giảm liều dùng thuốc cản quang trên người bệnh mắc bệnh lý tim mạch và suy thận.

Điển hình là bệnh nhân nam, 66 tuổi, có tiền sử tim mạch: hẹp khít van động mạch chủ, chức năng thất trái giảm 45%, suy thận độ 2. Người bệnh có chỉ định thay van động mạch chủ qua da. Các bác sĩ cho người bệnh chụp CT phổ có tiêm chất cản quang liều giảm (trên nền bệnh nhân mắc tim mạch và suy thận), nhờ chức năng phổ monoe đảm bảo hình ảnh đạt độ tương phản…
Hay đối với người bệnh có chỉ định chụp mạch vành, cho phép các bác sĩ đánh giá đồng thời mạch vành và độ sống còn cơ tim trong một lần chụp, giúp quan sát rõ stent, mạch máu vôi hóa và tổn thương mạch vành.
Nhờ công nghệ phổ và AI, hình ảnh tim được ghi lại rõ nét với liều tia thấp, loại bỏ chuyển động tim, hỗ trợ chẩn đoán chính xác mà không cần can thiệp xâm lấn, tốn kém cho người bệnh.

Ứng dụng CT phổ trong chẩn đoán thần kinh,giúp các bác sĩ phân biệt chính xác giữa xuất huyết và huyết khối sau can thiệp, với độ nhạy và độ đặc hiệu đạt 100%. Công nghệ này còn tăng khả năng phát hiện nhồi máu não,hỗ trợ đánh giá toàn diện tình trạng đột quỵ ...
Được biết, hội thảo khoa học chuyên đề được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trong 2 ngày từ 18/4 -19/4/2025. Hội thảo với sự tham gia của 85 các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, ung bướu, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện E và một số bệnh viện các tỉnh phía Bắc.
Đây là cơ hội để các cán bộ y tế thúc đẩy tinh thần giao lưu học hỏi, cập nhật và trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trong ứng dụng lâm sàng CT phổ nhằm chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị cho người bệnh.
Thông qua các báo cáo các bác sĩ và các chuyên gia cùng nhau chia sẻ và thảo luận các ca lâm sàng thực tế đang được điều trị ở Bệnh viện E. Từ đó, ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị và giúp các bác sĩ nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.