Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả

Thái Bình 18/04/2025 17:55

Chiều 18/4, Bộ Y tế cho biết đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; trong đó sẽ bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc...

Như Sức khoẻ và Đời sống đã đưa tin trước đó, ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công điện gửi các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công Thương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo công điện vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương; đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.

Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả- Ảnh 1.
Bộ Y tế đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ (ảnh minh hoạ)

Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc kinh doanh thuốc online; rà soát, xây dựng các cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế trong việc kiểm soát thuốc sản xuất, lưu hành thuốc nói chung và việc quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng internet.

Tăng cường tuyên truyền, phối hợp với truyền thông để cung cấp thông tin về thuốc giả để người dân biết và không sử dụng; thay đổi thói quen của người bệnh về việc tự mua thuốc và điều trị.

Trường hợp có bệnh, phải đến khám và điều trị, mua thuốc tại cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng cấp phép; đồng thời, có các biện pháp khuyến khích người dân cung cấp thông tin khi phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thành lập các Đoàn liên ngành, phát huy vai trò các đơn vị đầu mối trong công tác phòng chống hàng giả.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu về ngành dược; công bố thông tin đầy đủ về thuốc được cấp phép lưu hành (bao gồm cả thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc và nhãn thuốc); tạo điều kiện để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Bộ Y tế và các Bộ Ngành liên quan như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Quản lý thương mại điện tử… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong buôn bán, quảng cáo thuốc, bao gồm cả thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc…

Thái Bình