ĐBQH: Rượu bia, thuốc lá gây nhiều hệ lụy, cần đánh thuế TTĐB
Nhiều ĐBQH nhất trí đưa nước giải khát có đường, rượu bia, thuốc lá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đưa trà sữa cũng là đối tượng chịu thuế.
Định hướng tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe người dân
Sáng nay (9/5), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến của ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật khi đưa đối tượng rượu bia, nước ngọt có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo dự thảo Luật Thuế TTĐB, về đối tượng chịu thuế là nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml.ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu quan điểm, rất đồng tình về việc bổ sung đối tượng nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm định hướng tiêu dùng của người dân, bảo vệ sức khỏe.

Để thay đổi hành vi người dân cần có thời gian dài và tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa đối với xã hội; ngành Y tế cần có biện pháp tuyên truyền, cảnh báo mạnh mẽ hơn để người dân hiểu rõ những tác hại trong việc lạm dụng đồ uống có đường. Bên cạnh đó, bà Yến Nhi kiến nghị cần đưa mặt hàng nước dừa đóng hộp ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB.

Rượu bia, thuốc lá gây nhiều hệ lụy, cần đánh thuế TTĐB
Còn ĐBQH Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho ý kiến liên quan đến việc đánh thuế TTĐB. Ông Mai cho rằng, việc sử dụng rượu bia tràn lan đã gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như: TNGT, mất an ninh trật tự, nhiều bệnh tật có liên quan.Để hạn chế những hệ lụy trên, đại biểu đồng tình áp thuế TTĐB theo các lộ trình của dự thảo Luật. Nhưng đề nghị xem xét quy định rượu dưới 20 độ và từ 20 độ trở lên vì Luật Phòng, chống tác hại rượu bia quy định: Nồng độ cồn có từ 15 độ trở lên và dưới 15 độ. Ngoài ra, nếu áp mức từ 15 độ trở lên cũng không ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam tại WTO.
