Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, Thiếu tá Lê Tiến Thành (Tổ địa bàn PCCC&CNCH Bắc Từ Liêm) cho biết: "Thời gian vàng để cứu sống một người bị đuối nước chỉ vỏn vẹn 4-6 phút sau khi ngừng thở hoặc tim ngừng đập. Quá thời gian này, tổn thương não xảy ra, và khả năng sống sót, dù có, cũng để lại di chứng nặng nề". Thiếu tá Lê Tiến Thành cũng lưu ý về khó khăn trong công tác cứu hộ khi lực lượng chức năng thường đến hiện trường muộn hơn "thời gian vàng" quý giá đó.
Các bước cấp cứu trẻ bị đuối nước
TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn
các bước sơ
cấp cứu trẻ bị đuối nước:Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách;
Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí;
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…;
Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại;
Bước 5: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp;
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của đội Cấp cứu 115.
Chú ý: Trong quá trình sơ cứu đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra, việc vác chạy sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.