Phát triển kinh tế tư nhân: Coi doanh nghiệp là đối tượng 'phục vụ' thay vì đối tượng 'quản lý'

Lê Bảo 20/05/2025 04:22

Chính phủ yêu cầu, phải đổi mới tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý".

Chính phủ vừa có Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng và tổ chức triển khai chương trình tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Phát triển kinh tế tư nhân: Coi doanh nghiệp là đối tượng 'phục vụ' thay vì đối tượng 'quản lý'- Ảnh 1.
Chính phủ yêu cầu đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN.

Bộ VHTT&DL chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; thực hiện cung cấp thông tin về KTTN khách quan, trung thực, đầy đủ; cổ vũ, lan tỏa mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội.

Về đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, các bộ, ngành, địa phương quán triệt toàn thể công chức, viên chức, NLĐ đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý". Nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, cơ chế "xin - cho".

Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các quy định về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Xây dựng kế hoạch phát triển KTTN lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các bộ, ngành, địa phương hằng năm và 5 năm; chủ động bố trí, lồng ghép kinh phí hoặc tổng hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển khai hỗ trợ KTTN.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để bổ sung cơ chế, chính sách giao các địa phương dành tối thiểu 20 ha/cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.

NHNN Việt Nam rà soát, sửa đổi Thông tư số 26/2024/TT-NHNN về hoạt động cho thuê tài chính theo hướng mở rộng danh mục tài sản cho thuê như phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ, dữ liệu; chỉ đạo các ngân hàng thương mại: Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân; Khuyến khích các tổ chức tín dụng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)…

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách hỗ trợ của các ngành, lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, nền tảng...


Lê Bảo