Cẩn trọng khi 'đu trend' hái nấm rừng thông Đà Lạt
Mùa mưa là thời điểm các loại nấm sinh sôi nhiều trong rừng thông ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) và vùng phụ cận. Đây cũng là lúc người dân địa phương, du khách đua nhau vào rừng hái nấm đem về sử dụng, bất chấp mối hiểm họa ngộ độc.

Đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, ông L.V.M. (ngụ huyện Đức Trọng) vẫn bất ngờ khi bản thân có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm sau khi ăn nấm rừng. Ông M. cho hay, từ 5 năm nay cứ đến mùa mưa, ông đều vào rừng hái nấm về ăn, nhất là các loại nấm quen thuộc như nấm trứng gà, nấm kaki, nấm gan bò. Năm nay, ông đi thu hái nấm về, cả nhà ăn nhưng chỉ có mình ông bị các triệu chứng ngộ độc và phải vào viện điều trị. “Chắc do tôi ăn nhiều loại nấm khác nhau nên sau khi ăn khoảng vài tiếng là bị buồn nôn, đi ngoài nhiều bất thường nên được đưa đi bệnh viện điều trị. Cũng may hiện giờ sức khỏe đã ổn định, đang hồi phục tốt” - ông M. chia sẻ.

Đu theo trend, coi chừng nhập viện

Việc vào rừng thu hái nấm cũng trở thành trải nghiệm lý tưởng, thu hút người dân, du khách. Trào lưu (trend) đi rừng thông Đà Lạt hái nấm đang nở rộ trên các trang, nền tảng mạng xã hội trong những ngày qua. Tuy nhiên đây lại là nguy cơ đối với du khách và cả người dân địa phương khi chỉ đặt niềm tin vào vài người được cho là rành về nấm.

Theo Tiến sỹ Trương Bình Nguyên, Khoa Sinh học (Trường Đại học Đà Lạt), một số tài liệu nghiên cứu cho thấy trong các khu rừng thông Đà Lạt và vùng phụ cận, hiện có khoảng 300 loài nấm sinh trưởng và mọc rộ vào mùa mưa hằng năm; bao gồm cả loài ăn được và loài chứa độc tố gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo thống kê, trong rừng thông Đà Lạt hiện có hơn 50 loài thuộc chi nấm Amanita (chi nấm có nhiều loại nấm độc). Điều đáng lo là trong chi nấm này nhiều loài có hình dáng giống với nấm trứng gà, nấm trứng công (loại nấm quen thuộc thường được người dân hái về ăn). Ngoài ra, trong rừng thông còn có một loại nấm độc với hình dạng giống nấm mối, rất dễ gây nhầm lẫn nếu người hái không đào sâu xuống đất để lấy cả phần rễ của nấm mối (loại nấm độc không có rễ dài).

Bạn Trương Nguyễn Minh Đức, sinh viên năm 4, Khoa Sinh học (trường Đại học Đà Lạt) cho biết, dù bản thân có 3 năm nghiên cứu về nấm rừng nhưng khi bước vào rừng thông thu hái nấm vẫn chỉ phân biệt được 50 - 50 đối với các loại nấm ít gặp. Do đó, Minh Đức chỉ ăn những loài nấm mình biết rất rõ 100% không độc. Đối với những loại nấm còn nghi ngờ về hình thái, màu sắc em sẽ không dùng làm thực phẩm. “Việc hái nấm không nên tự phát, cần đi cùng người có chuyên môn, ghi nhận rõ ràng về các loại nấm ăn được và nấm độc, không nên đặt cược tính mạng vào sự hiểu biết một cách sơ xài của ai đó, cho dù là người bản địa” - Minh Đức nêu.
