'Blouse trắng' lặng thầm bảo vệ sức khoẻ đội hình diễu binh
Giữa cái nắng oi ả, khi bước chân chiến sĩ sải đều trên thao trường, có những bác sĩ âm thầm giữ nhịp tim, tiếp sức cho đồng đội vững vàng tiến bước.
Ít ai biết rằng, để những bước quân hành ấy giữ được sự bền bỉ qua từng ngày, phía sau đội hình đó luôn có những người lặng lẽ đồng hành – đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng quân y.

Bóng áo blouse giữa thao trường nắng gắt
Nép mình sau khối đội hình, giữa thao trường nắng như rang, người phụ nữ đang chăm chú dõi theo từng động tác, hơi thở của những chiến sĩ. Trên tay chị là chiếc hộp y tế quen thuộc, bên trong đủ các loại thuốc, dụng cụ sơ cứu cần thiết. Đó là Đại úy, điều dưỡng Đinh Thị Thu Hằng - cán bộ Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an).

Những ngày tập luyện kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn. Mỗi lần đội hình tạm nghỉ, chị Hằng cùng đồng nghiệp lại tất bật kiểm tra sức khỏe từng người. Những chiếc máy đo huyết áp, bình oxy, thuốc điện giải, dụng cụ sơ cứu luôn sẵn sàng trong tay họ.

Nhiệm vụ thầm lặng giữa thao trường
Công tác y tế tại thao trường không giống ở bệnh viện hay cơ sở y tế cố định. Đó là chuỗi ngày dài trực chiến dưới nắng, trong điều kiện đầy thử thách. Mỗi ngày, đội ngũ y tế phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của từng chiến sĩ, luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên chị Hằng tham gia chăm sóc cho các khối diễu binh, diễu hành. Qua những lần phục vụ diễu binh, chị Hằng hiểu rằng yếu tố tinh thần đóng vai trò rất lớn, đặc biệt với các nữ chiến sĩ. "Tập diễu binh là công việc đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác, đồng đều từng bước chân, từng động tác. Có hôm tập từ sáng sớm đến chiều muộn dưới cái nắng trên 40 độ C. Tôi luôn cố gắng động viên các em, giúp các em có thêm nghị lực.", chị Hằng cho hay.

Gia đình nhỏ giữa thao trường lớn
Phía sau thao trường nóng bỏng, chị Hằng cũng mang trong mình nỗi niềm của một người mẹ, một người vợ. Tâm sự với phóng viên, đi thực hiện nhiệm vụ lần này, cả hai vợ chồng chị đều vắng nhà, 3 con phải tự chăm sóc lẫn nhau. Chồng chị là một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, hiện đang trực tiếp tham gia công tác phục vụ trong khối kỵ binh của lực lượng Cảnh sát Cơ động tham gia sự kiện trọng đại của đất nước.Khi được hỏi về các con, chị Hằng cho biết: "Chúng tôi có ba con, hai cháu lớn đã tự lập, cháu út gần 3 tuổi thì may mắn có chị gái hỗ trợ chăm sóc. Mỗi dịp cuối tuần, hai vợ chồng được lãnh đạo đơn vị cho phép thay phiên nhau về thăm nhà. Khi tôi trực thì chồng ở nhà, tuần sau sẽ đảo chiều. Mọi thứ đều phải tính toán kỹ để hậu phương vững chắc. Các con cũng đã quen với việc bố mẹ đi làm nhiệm vụ xa nhà, cô giáo ở trường mầm non cháu nhỏ cũng giúp đỡ nhiều"."Hai vợ chồng cùng tham gia nhiệm vụ A80 là điều rất đặc biệt với gia đình tôi. Mỗi ngày, chúng tôi cùng có mặt tại thao trường, dù công việc khác nhau nhưng cùng chung một niềm tự hào." chị Hằng xúc động nói.
