Cảnh báo về mức độ nguy hiểm khó lường của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue ngày càng khó dự đoán về thời điểm và phạm vi bùng phát. Nếu người dân chủ quan hoặc xử lý không đúng, bệnh có thể nhanh chóng chuyển nặng và dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết Dengue nay trở nên khó lường
Theo Bộ Y tế, trong gần 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 22.974 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và 5 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành.Con số này cho thấy rủi ro dịch bệnh vẫn hiện hữu, đặc biệt là nguy cơ "dịch chồng dịch" khi các ca sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, và COVID-19 cùng gia tăng cục bộ ở một số địa phương. Cuối tháng 5, Bộ Y tế đã ra công văn hỏa tốc nhằm yêu cầu tăng cường chỉ đạo, giám sát và truyền thông để giảm thiểu tử vong vì sốt xuất huyết Dengue.Nếu như trước đây, sốt xuất huyết Dengue thường được biết đến với chu kỳ bùng phát khoảng 5 năm một lần và có "khoảng lặng" rõ rệt, thì nay, dịch tễ đã có những thay đổi đáng báo động, không còn theo mùa và lan rộng về địa lý.Thông tin về tình hình sốt xuất huyết Dengue thay đổi khó lường, những gánh nặng và nguy cơ mà căn bệnh này có thể gây ra đã được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến diễn ra mới đây, do Báo Sức khỏe & Đời sống - cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, với sự đồng hành phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam - đơn vị đang có nhiều nỗ lực đồng hành cùng ngành y tế nâng cao nhận thức của cộng đồng về sốt xuất huyết Dengue, tổ chức, với chủ đề: "Hướng tới một Việt Nam không còn ca tử vong vì sốt xuất huyết: Hiệp lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp".

Chủ quan và xử trí sai dẫn đến hậu quả đáng tiếc
Mặc dù nhận thức chung về sốt xuất huyết Dengue đã được nâng cao, nhưng theo các chuyên gia, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn chủ quan và xử trí sai cách khi mắc bệnh, dẫn đến những trường hợp nhập viện muộn, bệnh diễn biến nặng và thậm chí tử vong.PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về những sai lầm phổ biến: Người dân thấy sốt có thể nghĩ tới các bệnh khác như cảm cúm; thực tế, có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, đến viện muộn khi đã sốc, suy đa tạng.

Hiệp lực toàn diện, hướng đến không còn ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue
Để đối phó với tình hình dịch tễ sốt xuất huyết Dengue ngày càng phức tạp, giảm thiểu tử vong và kiểm soát dịch hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh cần một chiến lược tổng thể, gồm: Kiểm soát véc-tơ, giám sát dịch tễ, cảnh báo sớm, truyền thông thay đổi hành vi và tăng cường năng lực hệ thống y tế. Trong đó, tiêm chủng - một giải pháp mới được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định, là một phần trong giải pháp tổng thể, giúp phòng ngừa chủ động và giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng.Chia sẻ tại tọa đàm, ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng Bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát véc-tơ truyền bệnh, cùng với sự chủ động từ mỗi cá nhân: "Các biện pháp xã hội, cùng với sự chủ động của từng địa phương, tổ dân phố và mỗi gia đình sẽ giúp mọi người nhận thức rõ nguy cơ mắc bệnh và tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Từ đó, chúng ta sẽ phối hợp cùng ngành y tế để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi, thông qua việc ngủ màn và sử dụng các thiết bị diệt muỗi. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp tăng cường kiểm soát dịch bệnh và véc-tơ truyền bệnh".Bổ sung cho giải pháp kiểm soát véc-tơ, PGS.TS.BS Phạm Quang Thái cũng chỉ ra những thách thức khó lường trong môi trường đô thị: "Có một số người nói rằng nhà tôi ở tầng 30, không thấy muỗi nên sẽ không bị bệnh. Đừng nghĩ rằng tầng 30 thì không có muỗi. Thực tế, con muỗi rất thông minh, nó không bay từ tầng 1 đến tầng 30 mà sẽ bay giật cấp, bay từng tầng rồi đẻ trứng dần lên. Sau một thời gian, kể cả tầng cao nhất của chung cư cũng sẽ có muỗi".
