Gần 300 xe điện du lịch Cửa Lò nguy cơ ‘nằm bãi’ vì vướng quy định mới

Hoàng Trinh 02/07/2025 09:08

Hàng trăm chủ xe điện phục vụ du lịch ở Cửa Lò (Nghệ An) đang thấp thỏm khi phương tiện mưu sinh đứng trước nguy cơ bị dừng hoạt động vì không có tuyến đường riêng phù hợp với Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Thăng trầm số phận xe điện

Từ năm 2011, UBND TX Cửa Lò (nay là Phường Cửa Lò) trình UBND tỉnh Nghệ An và Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển khách du lịch. Sau đó, từ năm 2016, thị xã được tỉnh cho phép xây dựng quy chế quản lý hàng năm với tổng số xe điện hoạt động là 558 chiếc.

Gần 300 xe điện du lịch Cửa Lò nguy cơ ‘nằm bãi’ vì vướng quy định mới- Ảnh 1.
Một góc Cửa Lò nhộn nhịp với những chiếc xe điện.

Cuối năm 2022, UBND TX Cửa Lò yêu cầu các chủ xe điện phải đăng ký, đăng kiểm theo Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT và Thông tư 58/2020 của Bộ Công an. Những xe không đủ điều kiện phải dừng hoạt động. Điều đáng nói là phần lớn xe điện khi đó không thể hoàn tất thủ tục đăng kiểm vì giấy tờ đã bị thất lạc trong quá trình trước đây do một doanh nghiệp đứng ra quản lý.

Không còn lựa chọn nào khác, nhiều chủ xe buộc phải bán tháo xe cũ với giá bèo bọt, vay mượn hàng trăm triệu để mua xe mới. Đến năm 2023, có 278 xe điện được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ và được phép hoạt động.

Tưởng rằng sau khi đầu tư lại, việc kinh doanh sẽ ổn định, nhưng đến nay các chủ xe lại một lần nữa đối mặt nguy cơ phải dừng hoạt động vì quy định mới tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Quy định này yêu cầu xe điện 4 bánh chỉ được hoạt động trên tuyến đường có biển báo tốc độ không quá 30 km/giờ, áp dụng cho tất cả phương tiện giao thông.

Gần 300 xe điện du lịch Cửa Lò nguy cơ ‘nằm bãi’ vì vướng quy định mới- Ảnh 2.
Đường Bình Minh ở Cửa Lò hiện mỗi bên có 3 làn xe, theo quy định hiện nay, tốc độ tối đa trong đô thị là 60 km/giờ.

Tuy nhiên, hiện tại ở Cửa Lò chưa có tuyến đường nào đủ điều kiện. "Nhiều gia đình phải vay mượn hơn 200 triệu đồng để mua xe điện, nhưng rồi gặp đúng lúc dịch COVID-19 bùng phát, du lịch bị gián đoạn khiến chúng tôi gần như không có khách. Chiếc xe cũ tôi đành bán tháo với giá chỉ hơn 5 triệu đồng, sau đó tiếp tục vay hơn 300 triệu để mua xe mới, hy vọng gỡ gạc.

Cứ nghĩ xe mới đủ điều kiện đăng kiểm thì có thể yên tâm làm ăn, dần hoàn vốn và nuôi sống gia đình. Không ngờ nay lại phải đối mặt với nguy cơ bỏ xe giữa chừng, rồi không biết đi đâu, về đâu", một chủ xe điện ở phường Cửa Lò buồn bã nói.

Chưa kịp hồi vốn, đã lo gác lái

Theo Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ, xe điện 4 bánh chở người chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường có gắn biển báo tốc độ tối đa 30 km/giờ, áp dụng chung cho tất cả phương tiện. Tương tự, xe điện chở hàng chỉ được lưu thông trên các tuyến có giới hạn tốc độ 50 km/giờ.

Tuy nhiên, thực tế tại Cửa Lò hiện chưa có tuyến đường nào được cắm biển báo tốc độ dưới 30 km/giờ, điều kiện bắt buộc để xe điện được phép lưu hành hợp pháp theo quy định mới.

Gần 300 xe điện du lịch Cửa Lò nguy cơ ‘nằm bãi’ vì vướng quy định mới- Ảnh 3.
Ông Trịnh Xuân Vương, một chủ xe điện ở Cửa Lò.

"Chúng tôi có nghe thông báo nếu không có tuyến đường riêng cho xe điện thì sẽ phải dừng lưu thông. Gia đình tôi mua chiếc xe này từ đầu năm 2023 với giá gần 300 triệu đồng, sau khi có quy định bắt buộc phải đăng kiểm. Xe mới chạy được chưa được 2 năm, còn chưa hoàn vốn. Nếu buộc phải dừng thì cũng chẳng biết bán cho ai, vì sẽ không còn ai dám mua," ông Trịnh Xuân Vương, một chủ xe điện nói.

Ông Vương cho biết thêm, trước năm 2023, số lượng xe điện hoạt động tại Cửa Lò lên tới gần 600 chiếc nên thị xã đã phải quy định xe được luân phiên chạy theo ngày lẻ - chẵn để tránh ùn ứ. Sau đợt siết đăng kiểm, nhiều xe cũ buộc phải thanh lý, các chủ xe đã tự thỏa thuận để giảm một nửa số lượng phương tiện, chỉ còn lại 278 xe đủ điều kiện.

"Giờ nghe đến chủ trương cấm xe điện, bà con rất hoang mang. Nhiều người phải bỏ ra cả tỷ đồng để ‘mua lốt’ của người khác, nhường quyền hoạt động với hy vọng làm ăn lâu dài. Trong khi đó, du lịch Cửa Lò chỉ sôi động 2,3 tháng mỗi năm. Năm nay khách lại ít, tình hình càng thêm khó khăn", ông Vương thở dài.

Anh Trần Văn Liêu, một chủ xe điện khác chia sẻ, dù sinh sống tại đô thị du lịch, nhưng hoạt động du lịch ở Cửa Lò lại mang tính mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên thu nhập từ nghề lái xe điện không ổn định. "Mỗi ngày, chúng tôi phải chạy từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Cuối tuần khách còn đông, ngày thường thì vắng hoe, thu nhập bấp bênh. Không chạy xe thì cũng không biết làm gì khác. Đi biển đánh cá thuê thì không đủ sức, còn nếu xe điện bị dừng, gần 300 hộ gia đình như chúng tôi sẽ rất khó khăn vì vốn đầu tư vẫn chưa thu hồi được", anh Liêu lo lắng.

Gần 300 xe điện du lịch Cửa Lò nguy cơ ‘nằm bãi’ vì vướng quy định mới- Ảnh 4.
Các chủ xe điện du lịch ở Cửa Lò lo lắng khi phương tiện này đứng trước nguy cơ bị “khai tử” do thiếu tuyến đường riêng theo quy định mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Lò cho biết, hiện hoạt động xe điện tại địa phương vẫn đang kế thừa các văn bản chỉ đạo từ UBND tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh trước đây.

Trên địa bàn hiện có 278 xe điện, phần lớn do người dân phường Cửa Lò sở hữu. Tính trung bình, mỗi xe có 2 lao động trực tiếp điều khiển, tương đương khoảng 560 lao động, một con số không nhỏ. "Chuyển đổi ngành nghề đối với họ là điều không dễ, bởi phần lớn đã bỏ vốn đầu tư đáng kể. Phía chính quyền mong muốn các cấp sớm có hướng dẫn để hoạt động xe điện được duy trì, nhưng cần đặt trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng", ông Hùng nói.

Để hướng đến sự chuyên nghiệp và đồng bộ, các chủ xe đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Lữ hành du lịch Cửa Lò. HTX này đã xây dựng nội quy hoạt động, quy định ứng xử với khách, mức giá cước chung và tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo ông Hùng, khi Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, chính quyền phường đã tổ chức họp mặt để phổ biến quy định mới đến các chủ xe điện. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn là yêu cầu phải có làn đường riêng dành cho xe điện, điều mà hạ tầng giao thông ở Cửa Lò hiện chưa thể đáp ứng.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một cơ chế đặc thù dành cho Cửa Lò để xe điện, loại phương tiện phù hợp cho du lịch được phép hoạt động. Xe điện không chỉ thân thiện môi trường, mà còn thuận tiện trong việc vận chuyển khách tham quan, đi chợ, dạo chơi hay mua sắm theo đoàn. Mỗi xe chở được tới 9 người, trong khi địa bàn Cửa Lò lại có không gian khá hẹp, chủ yếu là tuyến đường dọc bãi biển và các đường nhánh ngắn nên xe điện cũng không gây xung đột giao thông quá lớn", ông Hùng phân tích.

Hiện tại, tuyến đường Bình Minh, trục chính của phường Cửa Lò đã được cắm biển hạn chế tốc độ tại một số đoạn. Công an phường và lực lượng CSGT tỉnh cũng đang phối hợp để đảm bảo trật tự, an toàn khi xe điện lưu thông.

Tuyến đường chính tại Cửa Lò là đường Bình Minh, trục dọc ven biển dài hơn 7 km, mới được nâng cấp, mở rộng trong năm 2024. Tuyến này có 6 làn xe, trong đó hai làn ngoài cùng được kỳ vọng có thể bố trí riêng cho xe điện. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ, xe điện chỉ được phép lưu thông trên làn đường riêng biệt với tốc độ tối đa 30 km/giờ, điều này khiến việc tổ chức làn riêng trên đường Bình Minh không khả thi.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Lò, trong trường hợp phương án cơ chế đặc thù cho Cửa Lò không được chấp thuận, UBND tỉnh Nghệ An có thể xem xét giải pháp cắm biển giới hạn tốc độ xuống 30 km/giờ trên tuyến đường Bình Minh và một số tuyến có xe điện thường xuyên lưu thông trong các tháng cao điểm du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng và sẽ được UBND phường Cửa Lò chính thức đề xuất sau khi mô hình tổ chức mới đi vào vận hành.

Hoàng Trinh