Khu rừng ‘hồi sinh’ nhiều loài động vật quý hiếm
Với diện tích hơn 22.408 ha, Cúc Phương là nơi hàng loạt loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang được bảo vệ, hồi sinh mạnh mẽ.
Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương là "ngôi nhà" an toàn, được bảo vệ nghiêm ngặt cho vô số loài động vật quý hiếm, nhiều loài trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Cúc Phương không chỉ là một khu rừng đơn thuần mà thực sự là một bảo tàng của sự sống. Hệ thực vật ở đây vô cùng phong phú với hơn 2.234 loài thực vật bậc cao, tạo nên một thảm thực vật đa dạng, góp phần quan trọng vào việc duy trì cân bằng sinh thái.

Tuy nhiên, điều làm nên sự đặc biệt của Cúc Phương chính là mái ấm che chở cho nhiều loài động vật quý hiếm. Với 135 loài thú, 336 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng nghìn loài côn trùng. Cúc Phương tự hào là nơi trú ẩn an toàn cho các loài như voọc mông trắng, báo gấm, gấu ngựa, hay những loài chim quý hiếm như gà lôi lam đuôi trắng...

Cúc Phương không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn thụ động mà nơi đây chủ động sử dụng chính những thành quả khoa học và các chương trình cứu hộ để xây dựng nền tảng cho giáo dục môi trường và phát triển bền vững.

Hàng trăm công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học và sinh thái học đã được thực hiện, tạo ra một kho tàng kiến thức quý giá. Các dự án như Vườn thực vật; Chương trình cứu hộ động vật hoang dã; Trung tâm du khách và bảo tàng Cúc Phương không chỉ là điểm đến thu hút mà còn là những "địa chỉ" tin cậy để du khách hiểu rõ hơn về mối quan hệ mật thiết giữa rừng và cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, các chương trình tuần tra rừng, kiểm soát săn bắt và chống khai thác trái phép được thực hiện thường xuyên với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

"Một trong những thành tựu nổi bật nhất là việc bảo vệ thành công nhiều loài động vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng và các chương trình tái thả động vật về tự nhiên sau khi được cứu hộ, phục hồi sức khỏe mang lại hy vọng mới cho nhiều loài. Sự hợp tác chặt chẽ với các lực lượng kiểm lâm, công an và chính quyền địa phương đã tạo nên một mạng lưới vững chắc để bảo vệ rừng", ông Chính nói.
