4 sai lầm trong dùng thuốc trị viêm loét đại tràng khiến bệnh tái phát

BS. Ngọc Hà 07/07/2025 13:00

Sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của viêm loét đại tràng là một phần quan trọng để duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc dùng thuốc có thể làm chậm tiến trình trị bệnh, thậm chí khiến bệnh nặng hơn.

Viêm loét đại tràng là tình trạng lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương gây viêm loét, có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn đi ngoài, đau bụng và tiêu chảy...

Để điều trị viêm loét đại tràng cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tùy từng trường hợp bác sĩ có thể kê đơn dùng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc. Các thuốc thường dùng như: Thuốc kháng viêm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc sinh học, thuốc giảm đau, thuốc trị táo bón... Tuy nhiên, nhiều sai lầm khi dùng thuốc điều trị có thể làm tăng các đợt bùng phát viêm loét đại tràng, khiến bệnh nghiêm trọng hơn.

4 sai lầm trong dùng thuốc trị viêm loét đại tràng khiến bệnh tái phát- Ảnh 2.
Viêm loét đại tràng có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn đi ngoài, đau bụng và tiêu chảy.

Dưới đây là một số sai lầm cần chú ý:

1. Bỏ thuốc trị viêm loét đại tràng

Để điều trị viêm loét đại tràng, bác sĩ có thể phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Nhiều người uống thuốc thấy bệnh thuyên giảm đã ngừng dùng thuốc (bỏ thuốc). Bên cạnh đó, do phải uống nhiều loại thuốc cùng lúc, nên nhiều người đã không tuân thủ chỉ định...

Việc ngừng dùng thuốc hay bỏ thuốc khi chưa uống hết đơn thuốc khiến bệnh không được điều trị dứt điểm, làm tăng nguy cơ tái phát, thậm chí bệnh nặng hơn, khó điều trị hơn và kéo dài thời gian điều trị.

2. Tự uống thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh có tác dụng loại bỏ các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng của vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Do đó, việc tự dùng thuốc thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng như do C. difficile gây ra, vốn đã là nguy cơ gia tăng đối với những người mắc viêm loét đại tràng.

Nếu cần dùng thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ kê đơn về loại thuốc, liều lượng và các phương pháp điều trị bổ sung để giúp ngăn ngừa bùng phát viêm loét đại tràng.

4 sai lầm trong dùng thuốc trị viêm loét đại tràng khiến bệnh tái phát- Ảnh 3.
Một số sai lầm trong việc dùng thuốc có thể làm chậm tiến trình trị viêm loét đại tràng, thậm chí khiến bệnh nặng hơn.

3. Tự ý uống thuốc giảm đau chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen (advil, motrin) và naproxen (aleve), được nhiều người sử dụng khi gặp các triệu chứng đau, trong đó có bệnh nhân bị viêm loét đại tràng. Mặc dù giúp giảm đau nhưng với những người bị viêm loét đại tràng, việc dùng thuốc NSAID lại có thể gây ra đợt bùng phát bệnh.

NSAID có thể làm tình trạng chảy máu ở ruột trở nên nghiêm trọng hơn, gây cản trở khả năng tạo ra chất nhầy bảo vệ của niêm mạc dạ dày và ruột. Thậm chí, các thuốc NSAID có thể gây tái phát triệu chứng ở những bệnh nhân viêm loét đại tràng đang trong giai đoạn thuyên giảm.

Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, chỉ dùng những loại thuốc này nếu bác sĩ yêu cầu. Trường hợp người bệnh uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà bị tiêu chảy, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

4. Dùng thực phẩm bổ sung

Việc dùng một số thực phẩm bổ sung như probiotics, omega-3, vitamin và khoáng chất, chất xơ hòa tan… có thể tốt cho đường tiêu hóa, cải thiện các triệu chứng của viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, một số thực phẩm bổ sung lại làm tăng tình trạng viêm và làm kích ứng đại tràng.

Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào. Trong thời gian sử dụng thực phẩm bổ sung, cần theo dõi các triệu chứng bất thường có thể xảy ra và báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử trí.

Xem thêm video đang được quan tâm:


BS. Ngọc Hà