Nghệ An ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2025 tại huyện miền núi

Khánh Thảo - V. Đồng 18/07/2025 10:20

Ngay sau khi phát hiện ca viêm não Nhật Bản, ngành y tế đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Trong đó, trọng tâm là điều tra dịch tễ tại khu vực hai bản nơi bệnh nhi sinh sống, theo dõi sát các ca nghi ngờ, cách ly, chuyển tuyến kịp thời...

Ngày 18/7, Trung tâm Y tế Kỳ Sơn (Nghệ An) xác nhận có hai ca bệnh viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm trên địa bàn.

Cả hai trường hợp đều là trẻ nhỏ, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy dương tính với virus viêm não Nhật Bản một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nghệ An ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2025 tại huyện miền núi - Ảnh 1.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, đơn vị đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Ảnh: K.Thảo.

Theo đó, bệnh nhi đầu tiên là bé trai 8 tuổi, khởi phát sốt, đau đầu, mệt mỏi từ ngày 4/7 nhưng được gia đình tự điều trị tại nhà. Sau một tuần không cải thiện, trẻ được đưa đến Trung tâm Y tế và nhanh chóng chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 10/7.

Trường hợp thứ hai là bé trai 9 tuổi, có biểu hiện tương tự từ ngày 13/7 và được chuyển viện ngay trong ngày. Cả hai đều được chẩn đoán ban đầu là sốt chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm não, màng não. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy sau đó khẳng định cả hai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Nghệ An ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2025 tại huyện miền núi - Ảnh 2.
Trung tâm y tế tiến hành tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ. Ảnh: K.Thảo.

BS. CKI Vi Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Kỳ Sơn cho biết, ngay sau khi phát hiện ca bệnh, đơn vị đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Trong đó, trọng tâm là điều tra dịch tễ tại khu vực hai bản nơi bệnh nhi sinh sống, theo dõi sát các ca nghi ngờ, cách ly và chuyển tuyến kịp thời; Phun hóa chất xử lý môi trường, giám sát véc-tơ truyền bệnh, tiêu diệt muỗi và lăng quăng.

Đồng thời, phát động toàn dân vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa muỗi, bọ gậy bằng cách phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng; Rà soát trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccine viêm não Nhật Bản, lên danh sách tổ chức tiêm vét; Đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh xã, mạng xã hội, hướng dẫn người dân theo dõi sức khỏe trẻ em và đưa trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch.

BS Khương thông tin thêm, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Tỷ lệ tử vong từ 25% đến 35%, chưa kể phần lớn bệnh nhân phục hồi vẫn để lại di chứng nặng như rối loạn vận động, rối loạn tâm thần, nghe kém, bại liệt...

Virus này chủ yếu lây truyền qua muỗi Culex - loại muỗi hoạt động mạnh vào mùa hè, đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm não Nhật Bản, do đó tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất.

Để bảo vệ trẻ nhỏ trước nguy cơ mắc bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo, phụ huynh cần đưa trẻ đến trạm y tế xã để được tư vấn và tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo chương trình Tiêm chủng mở rộng; Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, không để nước đọng nơi muỗi sinh sôi; Khi trẻ có biểu hiện bất thường như sốt, đau đầu, buồn nôn, thay đổi ý thức, cần đưa đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Khánh Thảo - V. Đồng