Mưa bão từ nay đến cuối năm rất phức tạp, sẽ có hệ thống cảnh báo thiên tai đến cấp xã
Theo dự báo, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong đó có 3-5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm.
Còn 6-8 cơn bão trên Biển Đông
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia nhận định, giai đoạn từ nay đến tháng 10/2025, dự kiến có khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12/2025, có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn có khả năng đổ bộ vào đất liền.Từ nửa cuối tháng 7-9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to kéo dài. Khu vực Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý khả năng xuất hiện mưa lớn bất thường trong những thời điểm giao mùa, nhất là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ.

Sẽ triển khai hệ thống cảnh báo thiên tai đến từng cấp xã
Sau một loạt bài học thiên tai khốc liệt xảy ra trong năm 2024, đặc biệt là trận lũ lịch sử sau bão số 3 (Yagi) lớn nhất kể từ năm 1971, hay "lũ tần suất 5.000 năm mới có một lần" ở Nghệ An xảy ra mới đây sau cơn bão số 3 (Wipha), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh củng cố thế trận phòng, chống thiên tai theo hướng chủ động hơn, phù hợp với chính quyền hai cấp là giải pháp cấp thiết.Theo dự báo, năm 2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (trong đó có 3-5 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào thời điểm cuối năm.Với diễn biến khí tượng trên, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ Bắc Bộ sẽ ở mức báo động 2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.Vì vậy, để kịp thời phòng, chống thiên tai, ông Hiệp cho rằng một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là cần phải sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền địa phương hai cấp.Ông Hiệp cũng nhấn mạnh tới việc hoàn thiện bộ quy chế hoạt động trong công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; kiện toàn cơ quan giúp việc về công tác phòng, chống thiên tai của ban chỉ đạo, ban chỉ huy các cấp, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả, kế thừa các cơ quan hiện có, tránh chồng chéo, không để gián đoạn trong chỉ đạo, tham mưu ứng phó với thiên tai, nhất là tại Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã.Về công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai, ông Hiệp nhấn mạnh cần tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng..."Chúng ta không thể để thiên tai xảy ra rồi mới chạy theo khắc phục. Phòng chống thiên tai phải đi trước một bước, đó không chỉ là quan điểm chỉ đạo mà còn là hành động cụ thể, là trách nhiệm của toàn hệ thống", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.