Vượt qua những vất vả thường nhật, các điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An âm thầm đồng hành cùng các thương bệnh binh suốt nhiều năm qua.
Hơn 16 năm gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, chị Nguyễn Thị Hằng Nga (38 tuổi), lặng thầm chăm sóc cho những thương bệnh binh nặng, có công với cách mạng. Chứng kiến không ít lần vết thương tái phát đau đớn của các bác thương bệnh binh, chị Nga và đồng nghiệp chỉ biết nén lòng, nhẹ nhàng xoa dịu cả thể xác lẫn tinh thần của những người đã từng vào sinh ra tử.
Nói về công việc đặc thù đầy này, chị Nga chia sẻ, chỉ có phái nữ mới kiên trì, trụ vững được lâu đến như thế.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng Nga gắn bó với các thương bệnh binh ở Trung tâm suốt hơn 16 năm qua.
Neo lại vì lòng biết ơn
Trong căn phòng nhỏ, nắng nhạt xuyên qua ô cửa, điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng Nga nhẹ nhàng dùng khăn lau người cho một thương binh nặng. Đó là ông Trần Hữu Diến thương binh 100% (quê ở huyện Đô Lương cũ). Năm xưa, giữa chiến trường khốc liệt, ông Diến thương nặng, phải phẫu thuật dã chiến, rồi từ đó liệt toàn thân, nằm một chỗ suốt mấy chục năm. "Ông Diến muỗi cắn cũng không biết, đi vệ sinh lúc nào cũng chẳng hay", chị Nga chậm rãi nói.
Mọi việc từ nhỏ nhất như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, ăn, uống,… ông Diến đều không thể tự làm mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của y, bác sĩ, điều dưỡng.Chừng nửa tiếng đồng hồ, chị Nga vừa lau người, vừa dọn dẹp, chăm sóc cho ông Diến như một người thân. Hết việc tại phòng, chị lại tiếp tục sang hơn chục phòng khác, nơi có những người lính khác đang chờ được chăm sóc. Chỉ đến khi các bác thương binh yên giấc trưa, nữ điều dưỡng mới kịp ngồi xuống, tranh thủ bữa cơm trưa.Theo chị Nga, ở Trung tâm, phần lớn các bác thương - bệnh binh đều mang thương tật nặng, nhiều người nằm liệt giường suốt mấy chục năm. Có bác mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ đến các điều dưỡng. Ở đây, phần lớn điều dưỡng đều là phụ nữ. Với công việc đặc thù đòi hỏi sự tận tâm, tỉ mỉ và đồng cảm, có lẽ chính sự dịu dàng, kiên nhẫn của người phụ nữ đã giúp họ gắn bó và làm tròn trách nhiệm.
"Mỗi lần các bác trở nặng, phải chuyển lên tuyến trên điều trị, tụi em lại khăn gói đi theo. Có bác ra Hà Nội cả nửa tháng trời. Đi nhiều đến mức chẳng còn nhớ nổi bao nhiêu chuyến. Con nhỏ thì gửi ông bà nội, ngoại trông giùm. Đêm về, con gọi điện vì nhớ, mình chỉ biết nuốt nước mắt mà động viên con cố gắng đợi mẹ về. Nghề này mà không có tâm, không có lòng biết ơn thì khó trụ lắm," chị Nga tâm sự.
“Chúng tôi luôn xem các bác như là cha mẹ của mình, hiểu từng sở thích, tính cách. Nhìn thấy các bác vui khỏe, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng mỗi ngày", điều dưỡng Nguyễn Thị Hằng Nga chia sẻ.Công việc tưởng như lặp đi lặp lại, nhưng lại chẳng dễ dàng. Vất vả nhất chính là việc lau rửa, vệ sinh hằng ngày cho các bác không còn khả năng cử động. Thương binh, bệnh binh sống cùng những mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể, nên những cơn đau bất chợt khiến các bác đôi khi không kiềm chế được cảm xúc. Cũng có lúc cáu gắt, tức giận vô cớ. Nhưng tất cả những điều ấy, chị em đều hiểu, cảm thông. "Các bác đã hy sinh quá nhiều. Giờ mình cố gắng một chút cũng là để tri ân một phần", chị Nga nói.Chị Nga bày tỏ, ngoài nỗi đau thể xác từ những vết thương cũ, điều khiến các bác thương bệnh binh day dứt hơn cả là sự trống trải, cô đơn. Nhiều người đã gắn bó với Trung tâm hàng chục năm trời, không gia đình bên cạnh."Có những buổi chiều, khi tụi em ngồi bên giường, nghe các bác kể chuyện thời chiến, chuyện hành quân, chuyện vết đạn vẫn còn đau mỗi khi trở trời…Những câu chuyện như giúp các bác được sống lại một phần ký ức hào hùng và thấy mình đang được lắng nghe, trân trọng", chị Nga xúc động kể.
Công việc của đội ngũ điều dưỡng viên tại đây rất vất vả, phải túc trực, đồng hành cùng các thương, bệnh binh 24/24.
Thương binh Nguyễn Đức Trạch, quê ở xã Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), từng chiến đấu tại chiến trường An Giang. Bác Trạch bị mù hai mắt, mất nửa cánh tay phải. "Ở Trung tâm, tôi được các điều dưỡng chăm sóc rất tận tình. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, không có cơ hội chứng kiến ngày đất nước hòa bình, thống nhất", bác Nguyễn Đức Trạch nói.
Xóa bỏ tâm lý ngại ngần
Cũng như bao điều dưỡng khác, chị Hà Thị Tuyết Nhung (39 tuổi), Phó trưởng phòng Y tế - Điều dưỡng, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An cũng có những ký ức rất riêng. Chị Nhung cho biết, các bác thương bệnh binh đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đều mang thương tật từ chiến tranh, có những người bị mù hai mắt, cụt hai chân, tổn thương cột sống, liệt tủy, vết thương sọ não, liệt toàn thân…
"15 năm làm việc tại Trung tâm, yêu nghề - đó là cách để chúng tôi tỏ lòng tri ân đối với các bác, những người lính dũng cảm dành cả tuổi xuân, vào sinh ra tử để đất nước có ngày độc lập hôm nay", chị Nhung nói.
"Mỗi lần chăm sóc các bác, tôi càng thêm trân quý công việc và tự hào được góp phần tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc", chị Hà Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng phòng Y tế - Điều dưỡng, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An tự hào nói.Bồi hồi nhắc lại kỷ niệm ngày mới đi làm, nữ điều dưỡng nhắc lại e ngại nhất chính là việc tắm rửa, thay quần áo cho các thương binh. "Hồi đó, tụi em còn trẻ lắm, chưa ai lập gia đình. Khi phải trực tiếp tắm rửa, thay quần áo cho các bác thương binh, ai cũng e dè, bối rối. Mãi sau này mới quen", chị Nhung kể.
Chị Nhung vẫn nhớ như in lời dặn của những người đến trước, vết thương cũ không chỉ để lại di chứng trên thân thể mà còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh, khiến các bác mất khả năng tự chủ. "Muốn gắn bó lâu dài với nghề này, phải thật sự thấu hiểu và vượt qua được rào cản tâm lý ban đầu", chị Nhung chưa từng quên lời căn dặn ấy.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An từ lâu trở thành mái ấm thứ hai của những thương, bệnh binh mang trên mình dấu tích chiến tranh.Ban đầu, có nhiều đồng nghiệp sẵn sàng làm thay phần việc đó cho chị. Nhưng chị Nhung quả quyết: "Em sẽ làm. Đã chọn làm ở đây thì nhất định phải làm được". Và rồi, chính từ sự cảm thông và kiên trì ấy, chị từng bước vượt qua sự ngại ngùng ban đầu, để tận tâm chăm sóc các bác bằng cả trái tim, bằng sự yêu thương và lòng biết ơn.Nhắc đến một vài bác thương binh nặng, những người đã sống cùng trung tâm suốt mấy chục năm rồi ra đi giọng chị nghẹn lại. "Có những bác gắn bó với mình như người thân trong gia đình. Khi họ mất, cảm giác trống vắng đến kỳ lạ.Công việc của các điều dưỡng viên ở đây gần như không có ngày nghỉ. Dù mưa gió hay đêm muộn, chỉ cần có ca cấp cứu là mọi người lập tức có mặt. Yêu nghề - đó là cách để chúng em tỏ lòng tri ân đối với các bác, những người lính dũng cảm dành cả tuổi xuân, vào sinh ra tử để đất nước có ngày độc lập hôm nay", chị Nhung trải lòng.
Đồng hành với các thương bệnh binh gần như 24/24Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An, ông Lê Tiến Mạnh cho biết, được thành lập từ năm 1974, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 55 thương bệnh binh nặng (tỷ lệ thương tật 80% trở lên) và thân nhân liệt sĩ thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hơn 50 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An đã tiếp nhận gần 1.000 lượt thương binh, bệnh binh bị thương, từ các chiến trường của các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, Campuchia về an dưỡng, điều trị.Công việc của đội ngũ điều dưỡng viên tại đây rất vất vả, phải túc trực, đồng hành cùng các thương, bệnh binh 24/24. Chúng tôi xác định chăm sóc sức khỏe cho thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là sự tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh tuổi trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Được phụng dưỡng các bác không chỉ là trách nhiệm, là vinh dự mà còn là tình cảm chân thành của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm.