Quảng Ninh: Quản lý, giám sát bếp ăn trên tàu du lịch vẫn gặp khó
Minh Lý - Tiến Sinh•11/07/2025 10:26
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho những “nhà hàng di động” trên biển đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của lực lượng chức năng, cũng như ý thức tự giác của từng chủ tàu và người trực tiếp chế biến.
Là địa phương có hoạt động khai thác tàu du lịch tham quan Vịnh lớn nhất nhì phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 500 tàu đang đăng ký đưa khách tham quan với hàng trăm tàu đạt tiêu chuẩn 4- 5 sao phục vụ khách lưu trú, nghỉ đêm như Scarlet Pearl, Heritage Cruises, Paradise Grand, Indochine, La Regina Grand, Grand Pioneers… Cùng với sự sôi động này, hoạt động bếp ăn trên tàu du lịch cũng phát sinh nhiều bất cập, cần sớm khắc phục.Cơ bản các tàu đều đáp ứng yêu cầu ATTP
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Bác sĩ chuyên khoa II. Nguyễn Phú Nhuận – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 324 tàu tham quan, 174 tàu lưu trú và 4 tàu nhà hàng. Tính đến nay, Chi cục đã cấp 443 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho các tàu du lịch có tổ chức bếp ăn phục vụ khách; số còn lại chỉ kinh doanh vận chuyển, không chế biến thực phẩm.
Các tàu du lịch biển đạt chuẩn 4 - 5 sao hầu hết đều đáp ứng tốt các yêu cầu về đảm bảo ATVSTP.Hằng năm, Chi cục phối hợp các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, giám sát dịch vụ ăn uống trên tàu dưới hai hình thức: kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất khi có phản ánh hoặc sự cố ATTP. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục đã kiểm tra và thẩm định 84 nhà hàng trên tàu, trong đó 62 tàu được cấp giấy chứng nhận, 22 tàu được kiểm tra, giám sát.Ông Nhuận nhận định, phần lớn tàu du lịch hiện nay đều được đóng mới, thiết kế hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm. 100% tàu có bếp ăn đều buộc phải đảm bảo tủ bảo quản, dụng cụ lưu mẫu thức ăn; thực phẩm, nguyên liệu sử dụng phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do đặc thù phục vụ khách đặt trước, đa số tàu đã chủ động sơ chế thực phẩm trên bờ và nhập hàng từ nhà cung cấp cố định.Tuy nhiên, bất cập vẫn còn. Trong một số trường hợp, do nhu cầu phát sinh đột xuất, tàu có thể mua thêm thực phẩm trên vịnh không rõ nguồn gốc, hoặc khách tự mang theo thức ăn, ông Nhuận thẳng thắn nói.
Đặc thù bếp ăn “di động” và những khó khăn trong quản lý
Việc kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu du lịch là vô cùng quan trọng, đặc biệt khi tàu di chuyển trên biển. Đảm bảo thực phẩm tươi ngon, an toàn, và không gây ngộ độc cho khách là ưu tiên hàng đầu.
Đặc thù là "nhà hàng di động" nên nguồn thực phẩm dùng cho bữa ăn của tàu hầu hết được sơ chế sẵn trên bờ rồi mới mang xuống tàu, sản xuất thành bữa ăn phục vụ du khách. Trên tàu, đặc biệt các tàu đóng mới đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao bố trí khu vực bếp ăn cố định theo thiết kế sẵn nên diện tích khu vực chế biến cố định không thể mở rộng như các loại hình cơ sở dịch vụ ăn uống khác...
Để kiểm tra hoạt động bếp ăn trên tàu, đoàn phải chờ lúc tàu cập bờ dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều trở ngại.Ông Nhuận cũng thừa nhận, xung quanh công tác quản lý và giám sát hoạt động bếp ăn trên tàu du lịch biển ở Quảng Ninh vẫn còn một số bất cập, như: Nhà hàng trên tàu di chuyển thường xuyên, hoạt động không cố định nên việc bố trí nhân lực và thời gian kiểm tra tàu du lịch cũng không thể thích kiểm tra lúc nào cũng được. Đoàn muốn kiểm tra phải linh hoạt theo thời gian hoạt động của tàu, chờ lúc tàu neo đậu cập bến (thường là sáng sớm, buổi trưa, buổi tối và ngoài giờ hành chính) trong khi nhân lực của Chi cục ATVSTP rất mỏng mà số lượng tàu trên Vịnh cần giám sát kiểm tra rất lớn (trên 500 tàu du lịch). Trong khi đó, lực lượng của Chi cục ATVSTP còn mỏng, chưa được trang bị phương tiện chuyên dụng để kiểm tra, giám sát trực tiếp trên biển, khiến công tác quản lý gặp nhiều trở ngại.Theo Chi cục ATVSTP, điểm bất cập lớn nhất hiện nay nằm ở quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Trước năm 2018, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải có giấy chứng nhận đã tập huấn kiến thức ATTP. Tuy nhiên, Nghị định 155/2018/NĐ-CP chỉ yêu cầu “phải được tập huấn và được chủ cơ sở xác nhận” dẫn đến tình trạng chủ cơ sở tự xác nhận cho nhân viên, mang tính hình thức, trong khi thực tế nhiều lao động trực tiếp vẫn thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết.Để khắc phục thực trạng này, cần buộc người trực tiếp chế biến, phục vụ thực phẩm phải có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhân lực và phương tiện để lực lượng quản lý ATTP có thể kiểm tra, giám sát linh hoạt hơn, nhất là vào giờ cao điểm, ngoài giờ hành chính và trên biển.An toàn thực phẩm trên tàu du lịch không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn trực tiếp liên quan đến thương hiệu du lịch địa phương, góp phần củng cố uy tín điểm đến và mang lại trải nghiệm an toàn, trọn vẹn cho du khách.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.