Quê hương luôn trong tâm trí Bác
Một ngày giữa tháng 5, dòng người nối nhau về Kim Liên thăm Hoàng Trù quê mẹ, Làng Sen quê cha - những nơi ghi dấu tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bận trăm công nghìn việc khi còn sinh thời, nhưng từ sâu thẳm trái tim, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu nặng và thiêng liêng đối với quê hương.
Bác Hồ và "Quê hương nghĩa trọng tình cao"
Ngắm nhìn căn nhà tranh thấp bé đặc trưng của miền Trung, qua bao năm vẫn kiên cường đứng vững trước giông bão. Nơi đây, bên chiếc án thư “Ân Tứ Ninh Gia” — món quà vua Nguyễn ban tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ Phó bảng năm Tân Sửu 1901 — cũng là chốn cụ dạy dỗ con cháu về chữ nghĩa, đạo lý làm người. Tại căn nhà này, cụ Bảng từng tiếp đón bạn hữu, các chí sĩ yêu nước, cùng ngồi lại bàn chuyện quốc gia đại sự, chuyện nhân tình thế thái.

Ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ nhất. Gặp lại đồng bào quê hương, Bác xúc động: "Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!", "Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành".




Tình cảm Bác dành cho quê hương Nghệ An luôn sâu nặng. Trước đây, vì bận lo việc nước, chưa thể về thăm quê, nhưng Người vẫn thường xuyên gửi thư thăm hỏi, động viên tỉnh nhà, xã nhà bằng những lời căn dặn ân tình, những bức điện đầy tâm huyết. Có tới 28 bức thư, bài viết, bài nói chuyện và điện tín được Bác gửi về quê hương – những minh chứng cảm động cho tấm lòng thủy chung son sắt của Người với Nghệ An.

Xây dựng quê hương xứng đáng với lời căn dặn của Người
Trong lần đầu tiên về thăm quê vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu”. Khắc ghi lời Bác, bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Kim Liên đã lấy đó làm kim chỉ nam, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.Lời dặn thiêng liêng ấy đã khắc sâu trong trái tim mỗi người dân nơi đây, trở thành động lực tinh thần to lớn suốt hành trình phát triển. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Kim Liên trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Đến năm 2020, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được UBND tỉnh Nghệ An chọn là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Với tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân, đến năm 2023, Kim Liên chính thức được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hiện thực hóa lời căn dặn năm xưa của Bác Hồ kính yêu.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Liên, năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt gần 674 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/người, tăng 18,8 triệu đồng so với năm 2020. Toàn xã chỉ còn 19 hộ nghèo (0,55%) và 41 hộ cận nghèo (2,4%).

Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực nhưng vẫn giữ được bản sắc làng quê. Nhờ huy động tốt nội lực và nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, xã đã đầu tư hơn 135 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình trọng điểm.Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, tinh thần yêu nước gắn với phát triển du lịch tham quan, học tập", chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các di tích lịch sử, lễ hội cổ truyền, dân ca ví, giặm… đều được gìn giữ, tôn vinh gắn liền với khai thác tiềm năng du lịch.Trong dòng chảy đổi mới, Kim Liên đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành "miền quê đáng sống", một điểm đến thân thuộc, gần gũi với du khách trong và ngoài nước. Gần 70 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, lời dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên kiên trì xây dựng, gìn giữ và phát triển quê hương ngày càng khởi sắc, xứng đáng là quê hương của vị lãnh tụ kính yêu.

