Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để miền núi tiến kịp miền xuôi

Kim Ngân 23/07/2025 04:00

Những năm qua, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế các cấp, nhiều giải pháp, giúp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã và đang triển khai tích cực.

Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng khó khăn

Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đưa miền núi tiến kịp miền xuôi- Ảnh 1.
Lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người làm hộ sinh được tổ chức tại tỉnh Lào Cai.

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho chị em phụ nữ.

Hiện nay, tại nhiều thôn, bản vùng cao và khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn các tỉnh miền núi như Sơn La, Cao Bằng hay các thôn, xã của tỉnh Thái Nguyên, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều sản phụ và gia đình chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc quản lý thai kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm dị tật thai nhi. Ngoài ra, việc tiếp cận và sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại còn gặp nhiều rào cản do tâm lý e ngại, thiếu thông tin hoặc ảnh hưởng bởi phong tục tập quán.

Nhằm từng bước khắc phục các hạn chế, những năm qua, các thôn, xã của các tỉnh vùng núi đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại vùng sâu, vùng xa. Các buổi truyền thông không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư nâng cấp, bố trí bác sĩ có chuyên môn về công tác, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại địa phương. Một số chương trình như hỗ trợ khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh miễn phí, tư vấn chăm sóc thai kỳ an toàn, cấp phát phương tiện tránh thai hiện đại được triển khai tại các trạm y tế tạo thuận lợi cho người dân.

Trong thời gian qua, ngành y tế và các địa phương (đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa) đã phối hợp thực hiện nhiều dự án, chương trình liên quan đến sức khỏe sinh sản với mục tiêu nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân, và là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 về giảm tình trạng tử vong mẹ

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền do sự thiếu hụt về năng lực y tế cũng như nguồn nhân lực có kỹ năng.

Số liệu nghiên cứu cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ trong quá trình sinh đẻ ở cấp quốc gia đã giảm nhưng nếu thống kê ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số thì tỷ lệ vẫn ở mức cao.

Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đưa miền núi tiến kịp miền xuôi- Ảnh 2.
Sản phụ ở xã vùng núi Thái Nguyên khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã.
Để có thể cải thiện sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ, tạo điều kiện sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa thì ngành y tế các địa phương và bản thân chính quyền sở tại cần triển khai 1 cách có đồng bộ các chiến dịch truyền thông lồng ghép, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Từ công tác tuyên truyền, vận động, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có ý thức chú trọng khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế. Đồng thời, nhiều cặp vợ chồng thực hiện tốt các biện pháp tránh thai để không phải mang thai và sinh con ngoài ý muốn, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn thì còn cần tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến dưới, đặc biệt các trạm y tế có đỡ đẻ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp, xây mới hoặc bố trí phòng đẻ riêng và cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu.

Đối với các nhân viên y tế, cần nâng cao chất lượng chăm sóc phụ nữ có thai (quản lý thai, khám thai định kỳ, tuân thủ đầy đủ quy trình khám thai...); theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ để xử trí kịp thời; Thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu và tuần đầu sau đẻ đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời.

Đảm bảo thực hiện chăm sóc sản khoa thiết yếu cơ bản và chăm sóc sơ sinh ở các trạm y tế miền núi, vùng sâu, vùng xa (đặc biệt là quản lý thai, phát hiện và xử trí thai nguy cơ cao, đỡ đẻ an toàn, chăm sóc, cấp cứu và hồi sức sơ sinh.

Đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn năm lần, từ mức 233/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 44/100 nghìn trẻ đẻ sống năm 2023; tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi đã giảm gần bốn lần, từ mức 58‰ xuống còn 18,2‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi giảm từ 44‰ xuống còn 11,6‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%...

Ngoài ra, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản-nhi đã phát triển mạnh mẽ từ trung ương đến cơ sở; nhiều thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản của người dân. Nhờ những thành tựu đạt được, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (nay là các Mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ-trẻ em).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ tuy có giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc. Tình trạng tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp bảy lần so với người Kinh; tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi dân tộc thiểu số vẫn cao gấp từ hai đến ba lần so với mặt bằng chung của cả nước.

Theo Bộ Y tế, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước đưa miền núi kịp với miền xuôi, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt, triển khai "Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025" trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; đồng thời từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, đào tạo nhân lực để tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản; thực hiện gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện tại tuyến huyện; triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em, bao gồm cả phiên bản điện tử. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ khởi động lại Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816... trong đó không chỉ riêng các bệnh viện tuyến trung ương tham gia, mà còn huy động các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố phát triển như Hải Phòng, Huế, TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về sản-nhi để chung tay, chung sức cùng với các bệnh viện tuyến trung ương sớm lấp đầy khoảng trống về y tế, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các tuyến, bao gồm cả y tế tư nhân. Nội dung kiểm tra cần tập trung vào việc tuân thủ các quy định chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh; quản lý thai nghén, dinh dưỡng bà mẹ-trẻ em, hỗ trợ sinh sản, an toàn...




Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/tang-cuong-dich-vu-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-de-mien-nui-tien-kip-mien-xuoi-169250707141242131.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/tang-cuong-dich-vu-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-de-mien-nui-tien-kip-mien-xuoi-169250707141242131.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để miền núi tiến kịp miền xuôi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO