Thiếu bác sĩ ở cơ sở: Bài toán khó ở Nghệ An
Dù nhân lực ngành Y tế Nghệ An phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, nhưng phân bổ giữa các tuyến vẫn chưa cân đối. Bác sĩ chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh, trong khi tuyến cơ sở lại thiếu nghiêm trọng. Điều đáng lo là việc tuyển dụng bác sĩ về cơ sở gặp nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm.

Trạm y tế “khát” bác sĩ
Trạm Y tế xã Tam Quang, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) là một trong những đơn vị tuyến xã hoạt động hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Mỗi năm, trạm khám, chữa bệnh cho hơn 4.000 lượt người, triển khai tốt các chương trình y tế quốc gia và tích cực tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh.Điểm nổi bật giúp trạm duy trì chất lượng chuyên môn ổn định chính là việc luôn có bác sĩ làm việc thường xuyên. Bác sĩ Vi Thị Thùy (32 tuổi, người địa phương), về nhận công tác từ năm 2019, không chỉ nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại địa phương mà còn góp phần củng cố niềm tin vào y tế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình y tế cộng đồng, công tác truyền thông phòng bệnh và đảm bảo các chỉ tiêu chuyên môn. Nhờ sự ổn định về nhân lực bác sĩ, nhiều năm liền, Trạm Y tế Tam Quang đạt được kết quả nổi bật và liên tục được các cấp ghi nhận, khen thưởng.Tại huyện Tương Dương, không chỉ riêng xã Tam Quang mà toàn bộ 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn đều có bác sĩ làm việc lâu dài tại trạm y tế. Theo bác sĩ Vi Xuân Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, cách đây khoảng 10 năm, số lượng bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã rất ít. Trước thực trạng đó, huyện đã chủ động cử sinh viên đi học theo diện cử tuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các y sĩ học liên thông lên đại học.Đồng thời, Trung tâm cũng tích cực khảo sát, kết nối và vận động con em địa phương đang theo học tại các trường đại học y trở về quê hương công tác. Nhờ những giải pháp đồng bộ này, đến năm 2018, tất cả các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có bác sĩ làm việc.Tuy nhiên, theo bác sĩ Chiến, kết quả này vẫn chưa thực sự bền vững. Một bộ phận bác sĩ sắp đến tuổi nghỉ hưu, trong khi công tác tuyển mới lại đang gặp không ít khó khăn, khiến bài toán nhân lực y tế cơ sở vẫn còn nhiều nỗi lo.

Tuyếnhuyện lao đao vì thiếu bác sĩ
Không chỉ tuyến xã, các cơ sở y tế tuyến huyện cũng đang chật vật với bài toán nhân lực. Bác sĩ Nguyễn Huy Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc – thẳng thắn cho biết: “Nguồn nhân lực hiện tại không đủ để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Trong khi đó, việc thu hút, tuyển dụng bác sĩ có trình độ chuyên môn cao lại gặp rất nhiều khó khăn”.Bác sĩ Lê Đức Hải – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương – cho biết, đơn vị hiện có 247 cán bộ, trong đó 57 là bác sĩ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại vẫn chưa đáp ứng được cơ cấu vị trí việc làm theo định mức của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là về thời gian khám bệnh và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, chuyên khoa sâu.“Tỷ lệ biên chế thực hiện chỉ đạt 78,6% so với số biên chế được giao tối thiểu. Việc tuyển dụng một số vị trí như bác sĩ, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên hình ảnh y học đang gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Hải cho biết.Tình trạng bác sĩ trẻ không mặn mà với tuyến cơ sở đang đẩy nhiều trung tâm y tế huyện vào thế khó. Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn tổ chức tuyển dụng 32 chỉ tiêu, trong đó có 15 vị trí dành cho bác sĩ. Thế nhưng, kết quả chỉ có 5 bác sĩ trúng tuyển, trong đó 1 người là bác sĩ dự phòng. Đáng chú ý, phần lớn trong số này không tốt nghiệp từ các trường đại học y hàng đầu. Một số từng dự tuyển vào các bệnh viện lớn nhưng không đạt, sau đó mới chuyển hướng về cơ sở.Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn – thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương cũng thiếu bác sĩ nghiêm trọng, nên bác sĩ trẻ ra trường ngày càng không mặn mà với tuyến cơ sở. Trong khi đó, mức đãi ngộ, thu nhập ở cơ sở lại chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người có chuyên môn”.Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng, việc tuyển bác sĩ về trung tâm đã không dễ, đưa họ về trạm y tế xã lại càng khó gấp bội. “Hiện toàn huyện mới chỉ có khoảng 80% trạm y tế có bác sĩ. Trong khi đó, một số bác sĩ đang công tác cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu, nguy cơ thiếu hụt nhân lực là rất rõ ràng”.Khó tuyển mới, lực lượng hiện có thì đang suy giảm
Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 4.556 nhân lực y tế tuyến cơ sở, trong đó 1.183 là bác sĩ. Riêng tuyến ban đầu có 2.649 người, gồm 368 bác sĩ. Tuy nhiên, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên chỉ đạt 78,3% – và con số này đang tiếp tục giảm do nhiều nguyên nhân.Trong năm 2023, tỷ lệ tuyển dụng tại các đơn vị y tế cơ sở chỉ đạt 46% so với chỉ tiêu được giao. Không chỉ khó tuyển mới, lực lượng hiện có cũng đang dần suy giảm: nhiều bác sĩ đến tuổi nghỉ hưu, một bộ phận khác chuyển sang làm tại cơ sở y tế tư nhân với điều kiện làm việc và thu nhập hấp dẫn hơn.

Cần chính sách đủ mạnh và linh hoạt
Trước thực trạng thiếu bác sĩ kéo dài, ngành Y tế Nghệ An xác định cần có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ và lâu dài. Trong đó, đặc biệt chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường công tác tích cực và ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ bác sĩ tại tuyến cơ sở.Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hoài Chung – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An – nhấn mạnh: “Để giữ chân bác sĩ ở tuyến cơ sở, yếu tố then chốt nằm ở môi trường làm việc, thu nhập và cơ hội phát triển chuyên môn. Đây là những yếu tố mà chúng ta hoàn toàn có thể chủ động cải thiện”.
