Thiếu máu, chế phẩm máu ngày càng trầm trọng ở Nghệ An
Mỗi ngày, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An phải cung cấp từ 250 đến 350 đơn vị máu cho các bệnh viện trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn máu dự trữ hiện đang rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cấp cứu, điều trị người bệnh...
Bệnh nhân mỏi mòn chờ đợi máu
Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An đang báo động thiếu máu trầm trọng trong gần một tháng qua, trong khi nhu cầu máu điều trị vẫn ở mức cao (300 đơn vị/ngày). Tình trạng này gây khó khăn cho bệnh viện và khiến nhiều bệnh nhân, nhất là người mắc bệnh lý huyết học như Thalassemia, phải chờ đợi lâu.

Chị Phương Anh (trú tại TP Vinh) chia sẻ, người thân của chị đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng xuất huyết nặng. Tuy nhiên, khi cần truyền máu, bác sĩ thông báo bệnh viện hết nguồn máu dự trữ.

Hai tuần qua, mỗi ngày Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An tiếp nhận hàng trăm lượt người đến hiến máu, phần lớn là thân nhân của các bệnh nhân đang điều trị tại TP Vinh. Không chỉ có người nhà bệnh nhân, nhiều chiến sĩ công an và cả đội ngũ y bác sĩ của chính trung tâm xắn tay, sẵn sàng hiến máu để kịp thời cứu giúp người thân, đồng nghiệp trong lúc nguy cấp.Không chỉ những ca cấp cứu cần máu gấp, mà các bệnh nhân mắc Thalassemia (tan máu bẩm sinh), vốn phải truyền máu định kỳ cũng đang chịu nhiều thiệt thòi khi lượng máu khan hiếm.


Anh Trương Hồng Th., trú tại xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) cho biết, ở tại bệnh viện 4 - 5 ngày nhưng vẫn chưa được truyền máu do nguồn máu dự trữ hiện chưa thể đáp ứng.
Nhiều bệnh viện 'cạn máu'
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, cán bộ khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, mỗi ngày, cần khoảng 10 đơn vị máu để phục vụ điều trị. Tuy nhiên, Trung tâm Huyết học và Truyền máu hiện chỉ có thể cung cấp khoảng một nửa, thậm chí có lúc chỉ được 1/3 số lượng cần thiết. "Trước tình hình đó, các khoa điều trị buộc phải vận động người nhà bệnh nhân đến hiến máu, hoặc thực hiện trao đổi máu để kịp thời truyền cho người bệnh", chị Trang nói.

Theo ông Khuê, số lượng máu tiếp nhận rất hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phúc, Tung tâm là nơi cung cấp máu phục vụ việc cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Do đó việc đảm bảo nguồn máu dự trữ phục vụ điều trị các bệnh lý khác, giữ lại tính mạng cho người bệnh cũng là một yêu cầu mang tính cấp thiết.Nguyên nhân của việc cạn kiệt nguồn máu, theo bác sĩ Phúc, là do cuối tháng 5 đến nay các đơn vị huyện thị trong tỉnh không tổ chức được đợt hiến máu nào, thay vì 5 - 6 đợt như trước đây, điều này dẫn đến nhiều ca điều trị bị chậm hoãn nếu không huy động được người nhà hiến máu để đổi bù.Trước những khó khăn khi lượng máu dự trữ gần cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến công tác cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An xây dựng nhiều phương án nhằm tăng cường nguồn máu dự trữ. Trong đó, việc kêu gọi người thân, người nhà bệnh nhân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần giúp người bệnh vượt qua bệnh tật.