Thông liên thất: Dị tật tim bẩm sinh trẻ em và những biến chứng nguy hiểm

16:39 | 17/11/2021

Thông liên thất là một lỗ hở tại vách liên thất gây ra luồng thông giữa các tâm thất. Bệnh gây khó thở khi ăn uống và chậm tăng cân ở trẻ. Trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu mắc thông liên thất không được xử lý kịp thời.

Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 16/11, Khoa Tim mạch (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) đã can thiệp thành công liên tiếp 3 ca bít dù thông liên thất cho 3 bệnh nhi mắc tim bẩm sinh. Trong đó, có trường hợp bệnh nhi chỉ mới 7 tháng tuổi, cân nặng vỏn vẹn 5kg. Đây là ca bệnh nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất được thực hiện can thiệp tim mạch thành công tại bệnh viện.

Theo nguồn tin trên, bệnh nhân gồm các cháu: Trịnh Minh T (12 tháng tuổi, Yên Thành, Nghệ An), Phan Bá Bảo Q (41 tháng tuổi, Hà Tĩnh) và Võ Văn Hoàng K (7 tháng tuổi, Nam Đàn, Nghệ An). Cả 3 bé đều được phát hiện bị tim bẩm sinh thông liên thất từ nhỏ, theo dõi tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thường xuyên. Đến tháng 11/2021, với sự tư vấn chuyên sâu từ bác sỹ, gia đình quyết định cho bé nhập viện can thiệp tim mạch.

Trong các bệnh nhi trên, bé K là một trường hợp khó và có nhiều nguy cơ. Sau sinh, bé vẫn ăn, bú tốt nhưng chậm tăng cân, thường xuyên thở nhanh, vã mồ hôi và quấy khóc. Bé còn quá nhỏ tuổi, thể trạng suy dinh dưỡng, lỗ thông liên thất nằm gần van động mạch chủ gây khó khăn rất nhiều trong quá trình thực hiện bít lỗ thông liên thất bằng dù.

Quá trình can thiệp tim của các bệnh nhi đã diễn ra thuận lợi, không có tai biến gì xảy ra. Sau 2 ngày can thiệp, sức khỏe của 3 bé đã phục hồi nhanh chóng, ổn định và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.

Các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An can thiệp thành công liên tiếp 3 ca bít dù thông liên thất cho 3 bệnh nhi mắc tim bẩm sinh. Ảnh: V.Đồng
Các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An can thiệp thành công liên tiếp 3 ca bít dù thông liên thất cho 3 bệnh nhi mắc tim bẩm sinh. Ảnh: V.Đồng

Theo ThS.BS Hoàng Văn Toàn – Khoa Tim mạch (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, những trẻ bị được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sỹ sẽ đưa ra hướng và phương pháp điều trị tối ưu cho trẻ.

Các phương pháp điều trị tim bẩm sinh ở trẻ như: sử dụng thuốc đặc trị; can thiệp tim; phẫu thuật tim hở. Rất may mắn khi 3 trẻ vào viện đợt này đều có thể điều trị được bằng phương pháp can thiệp bít dù đóng thông liên thất qua da. Can thiệp đóng lỗ thông bằng dụng cụ qua da thành công thì các bé đỡ mất sức sau một cuộc mổ tim hở, giảm thời gian nằm viện cũng như gánh nặng chi phí điều trị.

Theo Bệnh viện Vinmec, thông liên thất chiếm 15 - 20% tổng số ca bệnh tim bẩm sinh. Bệnh thông liên thất gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ với nhiều biến chứng nguy hiểm như chậm lớn, suy tim ứ huyết, nhiễm trùng phổi, tăng áp động mạch phổi... và có thể tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh.
Thông liên thất là một bệnh lý tim bẩm sinh.

1. Bệnh thông liên thất là gì?

Thông liên thất (VSD) là một lỗ hở tại vách liên thất gây ra luồng thông giữa các tâm thất. Thông liên thất lớn gây shunt trái sang phải lớn, gây khó thở khi ăn uống và chậm tăng cân. Thường nghe tim thấy tiếng thổi toàn tâm thu mạnh, thô ráp ở phần thấp cạnh bờ trái xương ức.

Nhiễm trùng hô hấp tái phát và suy tim có thể phát triển. Chẩn đoán bằng siêu âm tim. Lỗ thông có thể đóng tự phát trong suốt thời kì nhũ nhi hoặc đòi hỏi sửa chữa phẫu thuật.

2. Nguyên nhân mắc bệnh thông liên thất

Thông liên thất ở trẻ thường không có nguyên nhân rõ ràng, có thể do bất thường trong quá trình phát triển tim của bé trong bào thai.

Trong quá trình mang thai mẹ bị nhiễm virus Rubella, bị bệnh tiểu đường, dùng ma túy, rượu, hoặc các chất kích thích khác.

3. Triệu chứng bệnh thông liên thất

Da, môi và móng tay luôn trong tình trạng xanh tím do thiếu oxy.

Ăn uống kém, không tăng cân.

Thở nhanh, thở gấp hoặc khó thở.

Luôn trong tình trạng mệt mỏi, yếu.

Trẻ bị khó thở khi ăn hoặc khi khóc.

Chân, bàn chân hoặc bụng của trẻ bị sưng phù.

Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.

Thông liên thất không được phát hiện cho đến tuổi trưởng thành và thường phát triển thêm các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau tùy theo kích thước của lỗ thông liên thất.

Hình ảnh thông liên thất phần màng được đóng bằng màng ngoài tim. Ảnh: TL
Hình ảnh thông liên thất phần màng được đóng bằng màng ngoài tim. Ảnh: TL

4. Phân loại thông liên thất

Thông liên thất phần quanh màng (70 - 80%).

Thông liên thất phần cơ hay thông liên thất ở gần mỏm tim (5 – 20%).

Thông liên thất phần buồng nhận hay thông liên thất kiểu ống nhĩ thất (5-8%).

Thông liên thất phần phễu hay thông liên thất dưới van động mạch chủ hoặc dưới van động mạch phổi.

5. Các biến chứng khi mắc thông liên thất ở trẻ

Với thông liên thất lỗ nhỏ ít khi có biến chứng, trẻ vẫn sinh hoạt và phát triển bình thường.

Thông liên thất lỗ lớn có nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thường đi kèm với suy tim, nhiễm trùng tái phát, ăn uống kém.

Viêm phổi: Nhiễm trùng phổi tái phát nhiều lần với biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở, thở nhanh, co kéo cơ liên sườn, rút lõm ngực, trẻ chán ăn.

Suy tim ứ huyết: Do sự gia tăng lưu lượng máu qua tim phải, lên phổi mà tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu ngày tim dãn, ứ máu và không thể bơm máu hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu máu cho các bộ phận trong cơ thể. Các triệu chứng của suy tim do thông liên thất ở trẻ như khó thở hoặc đổ mồ hôi khi bú hoặc gắng sức, thở nhanh, thở co kéo, thở rên ngay cả khi nghỉ ngơi.

Tăng áp động mạch phổi nặng với hội chứng Eisenmenger

Các biến chứng khác như loạn nhịp tim, tắc mạch máu não hoặc áp xe não.

Trẻ mắc thông liên thất sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trẻ mắc thông liên thất sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

6. Các phương pháp chẩn đoán bệnh thông liên thất

Chẩn đoán thông liên thất được gợi ý bằng kiểm tra lâm sàng, được hỗ trợ bởi chụp X-quang ngực và ECG; siêu âm tim.

Nếu thông liên thất lớn, chụp X quang ngực cho thấy tim to và đậm các mạch máu phổi. ECG cho thấy tăng gánh tâm thất phải hoặc tăng gánh hai thất, đôi khi nhĩ trái giãn.

Nếu thông liên thất nhỏ, điện tim và chụp X quang ngực bình thường.

Siêu âm siêu âm hai chiều kết hợp với siêu âm màu và siêu âm Doppler để chẩn đoán và có thể cung cấp các thông tin về giải phẫu và huyết động, bao gồm vị trí và kích thước của tổn thương và áp lực tâm thất phải. Thông tim hiếm khi cần thiết để chẩn đoán.

7. Bệnh thông liên thất có di truyền không?

Bệnh thông liên thất thường có tính gia đình và đôi khi liên quan đến di truyền. Yếu tố di truyền trong gia đình có thể khiến bệnh tim bẩm sinh thông liên thất xảy ra trong nhiều thế hệ trong một gia đình.

Phẫu thuật điều trị thông liên thất giúp tránh những biến chứng nguy hiểm. Ảnh: TL
Phẫu thuật điều trị thông liên thất giúp tránh những biến chứng nguy hiểm. Ảnh: TL

8. Các phương pháp điều trị bệnh thông liên thất

Điều trị bằng nội khoa

Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp thông liên thất có biến chứng: Tăng áp động mạch phổi, suy tim... cần điều trị nội khoa ổn định trước phẫu thuật, hay điều trị nội khoa chỉ hỗ trợ ở bệnh nhân giai đoạn muộn, quá chỉ định phẫu thuật.

Những trường hợp chưa phẫu thuật cần điều trị dự phòng biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trước khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn như nhổ răng ...

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Đây là phương pháp vá lỗ thông vách liên thất bằng phẫu thuật tim hở với hỗ trợ của tuần hoàn ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên sử dụng miếng vá để vá lỗ thông. Ở giai đoạn sớm phẫu thuật điều trị thông liên thất sẽ giúp phát huy hiệu quả triệt để và tránh những biến chứng nguy hiểm.

Điều trị bằng phương pháp đóng thông thất qua da

Đây là phương pháp điều trị can thiệp xâm lấn tối thiểu, sử dụng các dụng cụ đưa qua ống thông vào tim để đóng lỗ thông. Đóng thông liên thất qua da được chỉ định đối với những trường hợp thông liên thất lỗ nhỏ, có vị trí giải phẫu thích hợp.

9. Cách phòng ngừa bệnh thông liên thất

Tiêm phòng vaccine trước khi mang thai.

Tránh sinh con muộn sau tuổi 35.

Tránh tụ tập nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại.

Chế độ ăn lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng.

Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai.

Kiểm soát tốt đường huyết.

Khi bị cúm, ốm… không tự ý dùng thuốc mà phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

8:30 | 27/04/2024

Theo Đông y, tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân gây ra như can thận khuy tổn, doanh huyết có hư nhiệt, can uất khí trệ… và việc trị bệnh cũng tùy thuộc vào từng căn nguyên mà có phương pháp phù hợp.

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.