Thông tư 29: 'Cú hích' hay 'rào cản' cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025?
Đỗ Vi•22/07/2025 07:33
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không chỉ là phép thử của Chương trình GDPT 2018 mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ Thông tư quản lý dạy thêm, học thêm, đặt ra nhiều vấn đề về kết quả thi và định hướng giáo dục phổ thông.
Thông tư 29 "giải phóng" học đường và tác động đa chiều
PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: "Việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm là cần thiết và phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhằm thúc đẩy học sinh hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu - điều cốt lõi của Chương trình GDPT 2018".
Lứa thí sinh năm nay không chỉ là những học sinh đầu tiên học và thi theo Chương trình GDPT 2018 với cấu trúc đề mới, mà còn chịu tác động trực tiếp của Thông tư 29 trong giai đoạn nước rút ôn thi. Điều này đặt các em vào một phép thử đầy thách thức. Liệu việc giảm các lớp dạy thêm có ảnh hưởng đến kết quả thi, đặc biệt với những môn có đề thi được đánh giá là khó và có tính phân hóa cao như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trong kỳ thi vừa qua?
Sự tập trung cao độ của thí sinh, thể hiện tinh thần tự chủ trong việc ôn luyện và đối mặt với kỳ thi.Chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt có con trai vừa thi tốt nghiệp THPT tại Phú Thọ bày tỏ lo lắng: "Đề thi năm nay nhiều môn khó hơn hẳn, đặc biệt là Toán. Trong khi đó, việc tìm lớp dạy thêm để con củng cố kiến thức lại khó khăn hơn trước rất nhiều vì Thông tư 29. Con tôi cảm giác bị 'đánh đố' khi vừa phải thích nghi chương trình mới, vừa bị hạn chế nguồn hỗ trợ bên ngoài".Còn phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 12, chị Phạm Thùy Trang (phường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi hiểu chủ trương tốt của Bộ GD&ĐT là giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, khi đề thi khó lên, việc không còn các lớp ôn luyện bên ngoài khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng, đặc biệt là những gia đình ở vùng nông thôn hoặc có con học lực chưa đồng đều. Chúng tôi mong muốn nhà trường và các cấp quản lý cần có những chương trình phụ đạo, bồi dưỡng thực chất, chất lượng cao ngay tại trường để lấp đầy khoảng trống này".Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, Thông tư 29 đã tạo ra những tác động đa chiều. Về mặt tích cực, Thông tư góp phần đáng kể vào việc giảm gánh nặng tài chính và áp lực lịch trình học tập dày đặc cho hàng triệu gia đình. Điều này tạo không gian cho học sinh nghỉ ngơi, vui chơi, cân bằng cuộc sống, đồng thời khuyến khích các em tự học, tự nghiên cứu, tham gia hoạt động ngoại khóa để phát triển năng lực toàn diện. Đồng thời, Thông tư này thúc đẩy giáo viên nâng cao chất lượng dạy học chính khóa.Tuy nhiên, Thông tư 29 cũng mang đến nhiều thách thức. Một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội bày tỏ: "Áp lực này đòi hỏi mỗi thầy cô phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Chúng tôi đã và đang tìm cách tối ưu hóa các giờ học phụ đạo, bồi dưỡng trong nhà trường".Ngoài ra, còn có nguy cơ về việc dạy thêm "chảy ngầm", khó quản lý và kiểm soát chất lượng, thậm chí phát sinh các tiêu cực. Cuối cùng là khả năng đáp ứng của trường học công lập. Nhu cầu bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh yếu kém hoặc nâng cao cho học sinh giỏi vẫn luôn tồn tại.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Việc cấm hay siết chặt dạy thêm chỉ thực sự hiệu quả khi nhà trường công lập làm tốt vai trò của mình. Nếu không đầu tư đủ cho cơ sở vật chất, giáo viên và phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh ngay tại trường, rất khó để hoạt động dạy thêm lén lút biến mất'.
Giám thị tận tình hỗ trợ thí sinh kiểm tra thông tin trong ngày làm thủ tục trước khi thi tốt nghiệp THPT 2025.
Những kiến nghị để Thông tư 29 phát huy hiệu quả thực chất
Để Thông tư 29 thực sự phát huy hiệu quả tích cực và không gây tác dụng ngược, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý đã cùng kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.Theo các ý kiến được tổng hợp từ các cuộc hội thảo giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe phản hồi, có những điều chỉnh linh hoạt nếu cần để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Thông tư, đồng thời hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng dạy học chính khóa.PGS.TS Chu Cẩm Thơ từng nhấn mạnh về vai trò của nhà trường: "Trường học phải là nơi đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn tạo môi trường để các em phát triển năng lực". Theo đó, các nhà trường cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng học sinh nội bộ, đảm bảo công bằng và chất lượng.Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng khẳng định: 'Nhà trường phải là nơi cung cấp đầy đủ và chất lượng nhất mọi hoạt động học tập, bồi dưỡng cho học sinh".Cùng với đó để nâng cao hiệu quả giảng dạy trong bối cảnh mới, nhiều giáo viên kinh nghiệm cũng cho rằng cần chủ động đổi mới phương pháp để phát huy tối đa năng lực học sinh ngay trên lớp học. Cuối cùng, từ góc độ phụ huynh và xã hội, các nhà giáo dục cũng khuyến nghị rằng phụ huynh và học sinh cần thay đổi tư duy, chủ động hơn trong việc tự học và tìm kiếm sự hỗ trợ chính thức từ nhà trường thay vì phụ thuộc vào các trung tâm bên ngoài.Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, với những tác động kép từ Chương trình GDPT mới và Thông tư 29 được nhìn nhận là một bước ngoặt lớn. Việc nhận diện rõ cả cơ hội và thách thức, đồng thời có những giải pháp kịp thời, hiệu quả sẽ quyết định liệu chúng ta có thể xây dựng một nền giáo dục thực sự công bằng, chất lượng và bền vững trong tương lai hay không. Những bài học rút ra từ "phép thử" đầu tiên này sẽ là nền tảng vững chắc cho các thế hệ học sinh tiếp theo.
Đón đọc Bài 4: Tiếng lòng từ 'người trong cuộc' - Hành trình 2K7 và những trăn trở, kỳ vọng của lứa học sinh sắp tới
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.