Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đáp ứng điều trị tốt nhất mọi tình huống
Đà Nẵng cần rà soát lại các đối tượng trong độ tuổi của chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi để tiêm đủ, tiêm đúng; đảm bảo thuốc, vật tư y tế phù hợp với từng mức độ, quy mô để kịp thời đáp ứng với tình hình dịch bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác trong mọi tình huống...
Tham gia đoàn công tác về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Phòng bệnh.

Gần 55% ca mắc sởi ở Đà Nẵng chưa tiêm vaccine phòng bệnh này
Theo báo cáo của CDC Tp Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố ghi nhận 3.074 ca nhiễm sởi, trong đó 55,95% các ca là trẻ đi học, 21,57% là trẻ ở nhà và người lớn chiếm 14,77%. Độ tuổi trên 11 tuổi chiếm 32,82%, trẻ 0-9 tháng tuổi chiếm 6,25%.Trong số các các mắc sởi có 25,73% ca mắc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; 6,21% trường hợp chưa đến tuổi tiêm; 14,2% trường hợp không nhớ tiền sử tiêm chủng và 54,3% trường hợp chưa tiêm vaccine.Tính đến 17 giờ ngày 28/3, tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi các nhóm tuổi tại Tp Đà Nẵng đạt: Từ 6-9 tháng là 30,92%; từ 1-5 tuổi là 26,46%; từ 6-10 tuổi là 53,87%.Tại Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng, PGS.TS Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, từ năm 2024 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận gần 1.921 ca mắc sởi, trong đó năm 2024 có 999 ca; từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận 922 ca mắc. Tỉ lệ mắc cao nhất là trẻ nhỏ hơn 9 tháng tuổi, hầu như đều phải thở máy trong quá trình điều trị.Để ứng phó với dịch sởi, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng đã ban hành văn bản thống nhất chỉ đạo, điều hành và áp dụng thực hiện trong toàn bệnh viện, trong đó phân luồng, khám sàng lọc người bệnh sởi ngay từ cổng chính; Chỉ định xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên phù hợp và kịp thời phát hiện ca bệnh; Rà soát tiêu chuẩn nhập viện; Chăm sóc và điều trị người bệnh theo đúng phác đồ, phát hiện sớm biến chứng và các dấu hiệu chuyển nặng, can thiệp y tế và hỗ trợ điều trị kịp thời (IVIG, Lọc máu, ECMO, Thở máy…);Đồng thời triển khai tư vấn và tiêm vaccine chủ động cho người bệnh khám và điều trị tại bệnh viện; Phân loại và quản lý nguy cơ ở người bệnh phơi nhiễm sởi...

Mặc dù vậy, lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay có một số khó khăn khi triển khai các biện pháp phòng chống dịch như bệnh viện đang giai đoạn sửa chữa nên phải phân tán bệnh nhân ra cả 3 khu vực hồi sức trẻ lớn, sơ sinh, y học nhiệt đới-tự nguyện, khó khăn về điều phối nguồn nhân lực và trang thiết bị khi bệnh nhân sởi tăng cao, số bệnh nhân sởi tăng nhưng giường kế hoạch tại Khoa Y học nhiệt đới là 68, có khả năng không được BHYT thanh toán.
Rà soát lại các đối tượng trong độ tuổi của chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi để tiêm đủ, tiêm đúng
Tại buổi kiểm tra, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao việc phân loại, thu dung ở Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng rất khoa học, đã bố trí riêng một khu để điều trị bệnh nhi nhiễm Sởi, tuy nhiên vẫn cần bệnh viện bám sát theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sởi mới nhất vừa được Bộ Y tế ban hành để thực hiện và thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến với các bệnh viện tuyến dưới, tăng cường phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng tới việc thông khí trong buồng bệnh.

Qua kiểm tra thực tiễn, lắng nghe báo cáo của ngành y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng và các ý kiến trao đổi của thành viên đoàn công tác, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao sự vào cuộc tích cực chủ động của bệnh viện trong công tác điều trị bệnh sởi nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh ngay tại phòng khám.

Thứ trưởng đề nghị ngành y tế thành phố phối hợp với các sở ngành liên quan cần tăng cường truyền thông đa phương tiện, thông tin phải chính xác để người dân hiểu hơn về bệnh dịch, đưa con em đi tiêm chủng, và phòng ngừa lây nhiễm sởi.
