Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng 'phi mã', chuyên gia WHO cảnh báo
Mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam tăng phi mã trong 15 năm qua, gây nguy cơ lớn về béo phì, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.
Video tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi':
Tại tọa đàm 'Tìm hiểu về tác hại của đồ uống có đường đối với thanh thiếu nhi' do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Vital Strategies tổ chức sáng 16/5, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về xu hướng tiêu thụ nước ngọt và hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Cù Đức Quân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn – cho biết: 'Đồ uống có đường đang phổ biến trong giới trẻ không chỉ do thị trường phát triển mạnh mà còn bị chi phối bởi quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội, truyền thông. Trong khi đó, nhiều loại nước ngọt, trà sữa, nước trái cây đóng chai… thực tế lại chứa lượng đường vượt khuyến nghị, kéo theo hệ lụy như béo phì, tiểu đường, tim mạch'.Ông Cù Đức Quân đưa ra cảnh báo và nhấn mạnh vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, trong đó có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc định hướng lối sống lành mạnh và kỳ vọng tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hướng đến một thế hệ trẻ khỏe mạnh, chủ động.

Người Việt đang tiêu thụ đường vượt mức khuyến cáo, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khoẻ
Phát biểu tại tọa đàm, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh: 'Lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng ở mức độ phi mã'.Theo ông Lâm, nếu năm 2009, lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam mới dừng ở mức 1,59 tỷ lít thì đến năm 2023, con số này đã vọt lên 6,67 tỷ lít – tức tăng hơn 4 lần chỉ trong vòng 15 năm. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm từ năm 2009 đến 2014 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 20% mỗi năm.'Đây là mức tăng quá nhanh đối với một mặt hàng có hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên', ông Lâm nói.Bác sĩ Lâm cảnh báo, sự gia tăng này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: người Việt đang tiêu thụ đường vượt mức khuyến cáo, dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng đáng kể ở cả trẻ em, vị thành niên và người trưởng thành.

Đặc biệt, trong bối cảnh người dân có thu nhập cao hơn, mức chi tiêu cho đồ uống có đường cũng tăng nhanh. Đây là lý do khiến chuyên gia WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại sản phẩm này. Bằng chứng từ các quốc gia cho thấy, nếu giá nước ngọt tăng 10%, mức tiêu thụ có thể giảm tương đương 10%. Tăng giá là biện pháp kinh tế nhưng mang lại hiệu quả y tế rõ ràng.
