Tiêu thụ thuốc lá tăng trở lại, WHO khuyến nghị áp thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng/bao thuốc vào năm 2030
Mức tiêu thụ thuốc lá đang tăng trở lại, WHO khuyến nghị ngoài mức thuế tỷ lệ hiện tại 75% giá xuất xưởng, Việt Nam cần áp thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng một bao thuốc vào năm 2030, từ đó giảm tỉ lệ hút thuốc và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tăng thuế để giảm hút thuốc, ngăn ngừa người bắt đầu hút thuốc
Theo TS. Angela Pratt, bằng chứng từ khắp thế giới cho thấy cách tốt nhất để giảm hút thuốc, giúp mọi người nói "không" với thuốc lá là tăng giá bằng cách tăng thuế."Khi xem xét Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp hãy hành động thật mạnh mẽ vì sức khỏe và sự phát triển của Việt Nam. Mức tăng thuế càng cao thì tác động tích cực tới sức khỏe càng lớn, càng tạo ra nhiều doanh thu thuế để tái đầu tư vào các ưu tiên của Chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi khuyến nghị ngoài mức thuế tỷ lệ hiện tại 75% giá xuất xưởng, cần áp thuế tuyệt đối theo lộ trình để đạt mức 15.000 đồng một bao thuốc vào năm 2030" - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói.Các chuyên gia nhận định, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần đi đúng hướng để đạt được mục tiệu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Đáng báo động hơn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang tăng trở lại. Mức thuế cao sẽ khuyến khích những người hút thuốc bỏ thuốc và ngăn cản những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc."Thuế thuốc lá giống như một loại vaccine bằng cách ngăn cản những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc, họ sẽ được bảo vệ suốt đời khỏi các nguy cơ về sức khỏe do thuốc lá gây ra. Nói cách khác, tăng thuế thuốc lá là đầu tư cho tương lai" – chuyên gia này nhấn mạnh.

"Vạch trần sự giả tạo" của ngành công nghiệp thuốc lá
Với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam đang phải chịu gánh nặng y tế và kinh tế khổng lồ, với trên 100.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Đồng thời, chi phí y tế và thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 1,1% GDP. Đây là mối đe dọa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.Ngành công nghiệp thuốc lá đang sử dụng những chiến thuật thao túng, che giấu sự nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá và nhắm vào giới trẻ thông qua các sản phẩm với bao bì và hương vị hấp dẫn. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá năm nay là "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo: Phơi bày chiến thuật của ngành công nghiệp đối với các sản phẩm thuốc lá và nicotin".Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ, ngành công nghiệp thuốc lá lan truyền những thông tin sai lệch để ngăn chặn hoặc trì hoãn việc tăng thuế. Thứ nhất, họ sẽ tuyên bố rằng việc tăng thuế sẽ tăng giá sản phẩm, dẫn tới việc nhiều thuốc lá được buôn lậu vào Việt Nam hơn. Điều này không đúng. Bằng chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế đều cho thấy năng lực thực thi của cơ quan chức năng mới là yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động buôn lậu chứ không phải giá.Thứ hai, ngành công nghiệp thuốc lá sẽ tuyên bố rằng việc tăng thuế sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng khi giá thuốc lá tăng, mọi người sẽ chi tiêu cho các sản phẩm khác. Thêm vào đó, Chính phủ có thêm ngân sách từ thuế thuốc lá để đầu tư trở lại vào nền kinh tế - vào các lĩnh vực như sức khỏe và giáo dục.

Việc tăng thuế thuốc lá không chỉ giúp giảm tiêu thụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng, mà còn tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế và không làm giảm số lượng việc làm. Trái ngược với quan điểm cho rằng nó sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách và công ăn việc làm, thực tế cho thấy tác động tích cực từ việc chuyển hướng chi tiêu vào các ngành nghề khác.
