Top 10 bệnh thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh

15:29 | 07/07/2022

Mùa hè, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa dông bất thường vào chiều tối. Đây là cơ hội cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển, gây ra các bệnh dịch đặc biệt là các bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc…

 Bài viết dưới đây tổng hợp các loại bệnh có thể mắc phải trong mùa hè để có biện pháp phòng tránh.

1. Bệnh cúm (cảm cúm)

Cảm cúm ở trẻ em có nhiều triệu chứng đặc trưng.

Cảm cúm ở trẻ em có nhiều triệu chứng đặc trưng.

Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.

Có 3 type virus cúm gây bệnh ở người, tùy loại mà có dễ gây thành dịch hay không. Bệnh cúm lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1- 4 ngày, thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất là:

Tiêm vaccine cúm.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Tăng cường dinh dưỡng.

Tập luyện thể thao...

2. Bệnh sởi

Phát ban là triệu chứng đặc trưng của bệnh sởi.

Phát ban là triệu chứng đặc trưng của bệnh sởi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh sởi có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Bệnh sởi gây lây lan nhanh với 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa tiêm ngừa. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt bắn có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí. Người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống bám vào bề mặt vật nào đó khi chạm vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng sẽ bị lây bệnh sởi.

Khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bệnh sởi không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hại đến sức khỏe như:

Biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản; viêm phế quản; viêm phế quản – phổi.

Biến chứng thần kinh: Viêm não – màng não – tủy cấp; viêm màng não; viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van bogaert).

Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng; cam mã tấu (noma); viêm ruột.

Biến chứng tai – mũi – họng: Viêm mũi họng bội nhiễm; viêm tai – viêm tai xương chũm.

Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà…

Các biện pháp phòng chống bệnh sởi:

Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh.

Nếu có tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ.

Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế đến nơi tập trung đông người.

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

3. Thủy đậu

Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn.

Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn.

Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra.

Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người mang bệnh qua con đường nói chuyện, ho, hắt hơi. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển và sức khỏe của thai nhi.

Thủy đậu có biểu hiện ban đầu là nổi các mụn nước trên da, niêm mạc lưỡi, miệng, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.

Bệnh thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời và đúng cách nếu không bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…

Cách phòng ngừa thủy đậu

Tiêm phòng vaccine thủy đậu.

Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa trong 3 ngày sau đó.

Không sử dụng đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu.

Người bệnh cần được cách ly với người thân cũng như cộng đồng, tránh để lây nhiễm rộng rãi.

4. Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Viêm não Nhật Bản để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra.

Virus viêm não Nhật Bản là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh. Các nguồn lây bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc như lợn, trâu, bò, ngựa.

Đường lây: qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè nên bệnh viêm não Nhật Bản thường bùng phát vào mùa hè, nhất là từ tháng 5 - 7.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp… Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các biện pháp phòng ngừa virus viêm não Nhật Bản:

Tránh cho trẻ chơi trời vào thời gian bình minh hoặc hoàng hôn - thời điểm muỗi truyền bệnh hoạt động mạnh.

Cần mặc quần áo kín ngừa muỗi đốt lây virus viêm màng não Nhật Bản.

Nằm ngủ màn.

Dùng các dung dịch ngừa muỗi.

Phát quang bụi rậm để tránh trú ngụ của muỗi, vệ sinh môi trường sống, nơi làm việc sạch sẽ.

Tiêm vaccine phòng ngừa virus viêm não Nhật Bản đúng thời điểm cho trẻ.

5. Viêm màng não mô cầu

Đốm xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não mô cầu.

Đốm xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não mô cầu.

Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh xuất hiện tái phát trong năm, tuy nhiên có thể thành dịch vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.

Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C, và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A thường gặp nhất ở nước ta. Ngoài ra người ta còn bổ sung thêm những nhóm huyết thanh gây bệnh của vi khuẩn não mô cầu như: W-135, X, Y và Z. Những vi khuẩn thuộc nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực nhưng vẫn gây bệnh nặng.

Viêm màng não mô cầu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột, bao gồm: Sốt cao đột ngột; đau đầu dữ dội; buồn nôn, nôn; cổ cứng; có thể lơ mơ hoặc hôn mê; có thể có đốm xuất huyết.

Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại từ ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.

Viêm não mô cầu không được điều trị kịp thời tỷ lệ gây tử vong lên đến 50 – 60%. Thậm chí ngay cả khi phát hiện sớm và điều trị tích cực, số trẻ tử vong do viêm não mô cầu vẫn có khoảng 5 – 15%. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dù khỏi bệnh vẫn để lại các di chứng hết sức nặng nề về não, tâm thần, điếc, bại liệt, động kinh…

Các biện pháp phòng bệnh viêm não mô cầu:

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.

Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường; nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.

Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.

Não mô cầu nhóm A hay gặp ở Việt Nam nhưng chưa có vaccine, do đó nên áp dụng biện pháp giám sát dịch tễ học nghiêm ngặt.

6. Sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có thể gây thành dịch. Virus Dengue với 4 typ thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Sốt xuất huyết có biểu hiện đặc trưng sốt và xuất huyết (xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, mảng…; xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu chân răng...; xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đại tiện ra máu..), ngoài ra bệnh nhân thấy đau đầu, đau cơ, nhức hai hốc mắt….

Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, bệnh nhân có thể diễn biến nặng, sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn kể cả ban ngày; dùng hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác….

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị có dấu hiệu nghi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

7. Tiêu chảy cấp do virus Rota

Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị tiêu chảy do virus rota rất cao.

Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị tiêu chảy do virus rota rất cao.

Tiêu chảy cấp do virus Rota hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Virus Rota lây qua đường phân – miệng, tay – miệng và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại virus này được thải ra theo đường tiêu hoá ở trẻ nhiễm bệnh, tồn tại bền vững trong môi trường. Trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ lây bệnh rất cao do thói quen tiếp xúc các đồ vật bằng tay và cho tay vào miệng.

Bệnh có thể khởi phát đột ngột với triệu chứng nôn mửa từ 1 – 3 ngày, sau đó là tiêu chảy cộng với nôn mửa, sốt và sốc gây co giật. Nhiễm Rotavirus khiến trẻ dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến thể trạng toàn thân như suy dinh dưỡng và một số biểu hiện khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Cách phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota:

Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, ăn uống: Không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống.

Rửa tay trước khi ăn.

Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi).

Cho trẻ từ 2 tháng tuổi đi uống vaccine phòng Rota virus theo đúng lịch khuyến cáo.

8. Quai bị

Tuyến nước bọt đau nhức, sưng to là triệu chứng đặc trưng khi bị quai bị.

Tuyến nước bọt đau nhức, sưng to là triệu chứng đặc trưng khi bị quai bị.

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus quai bị Mumps virus, thuộc họ Paramyxoviridae. Virus có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể: Khoảng từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 200 độ C và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C hoặc dưới tác động của các hóa chất diệt khuẩn.

Quai bị có các triệu chứng như: Sốt cao đột ngột; chán ăn, đau đầu. Sau khi sốt 1-3 ngày; tuyến nước bọt đau nhức, sưng to, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, khiến khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt (đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị); buồn nôn, nôn; đau cơ, nhức mỏi toàn thân; mệt mỏi; có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.

Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp và thường dễ lây nhất vào 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hay 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Bệnh lây từ người bệnh qua người lành thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, nói chuyện, khạc nhổ...

Bệnh quai bị nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, nhồi máu phổi, viêm tụy cấp tính; viêm cơ tim; viêm não, viêm màng não.

Các biện pháp phòng quai bị như:

Vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch kháng khuẩn khác.

Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng của trẻ.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.

Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.

Tiêm vaccine sởi quai bị rubella hoặc vaccine quai bị.

9. Bệnh Tay –  Chân – Miệng

Bệnh tay chân miệng có thể lây lan thành dịch.

Bệnh tay chân miệng có thể lây lan thành dịch.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

Bệnh tay chân miệng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

10. Bệnh thương hàn

Bệnh thương hàn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.

Bệnh thương hàn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.

Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập cơ thể người cảm thụ, trung bình từ 8 - 14 ngày.

Thương hàn là một bệnh khởi phát rất đột ngột. Trong trường hợp nhẹ, bệnh thương hàn thường không có triệu chứng. Trong trường hợp nặng, bệnh gây sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn khan, táo bón hoặc tiêu chảy… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong, loét thanh mạc và thủng ruột dẫn đến chảy máu.

Người mắc bệnh thương hàn do uống nước hoặc ăn những loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, sữa… Vi khuẩn thương hàn có khả năng sinh sôi trong sữa và các chế phẩm, mà không làm thay đổi tính chất hay mùi vị. Nấu chín thực phẩm là phương pháp giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. 

Thương hàn còn có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, hay tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp nhất vẫn là những người trong độ tuổi từ 15 – 30. 

Các biện pháp phòng bệnh thương hàn:

Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực hành ăn chín, uống sôi.

Rửa tay sạch: trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tiêm vaccine phòng bệnh thương hàn.

Tin cùng chuyên mục

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

7 thực phẩm 'đại kỵ' với người bệnh cao huyết áp, khi có dấu hiệu này cần điều chỉnh ngay!

8:24 | 17/04/2024

Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy tham khảo từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8 nhóm người có nguy cơ đột quỵ cao, đặc biệt nam giới có 2 thói quen này cần cảnh giác

8:23 | 15/04/2024

Bệnh đột quỵ thường diễn biến bất ngờ và ngày càng trẻ hóa. Đối với nam giới có thói quen hút thuốc và thường xuyên bia rượu cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

Đo huyết áp thấy tăng huyết áp đột ngột, cần xử lý thế nào để an toàn và đúng cách

8:22 | 13/04/2024

Tăng huyết áp đột ngột gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Việc nhận biết và có cách xử trí tăng huyết áp đột ngột giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.