Triển khai bệnh án điện tử ở Nghệ An: Tuyến huyện còn nhiều vướng mắc

Hoàng Trinh 09/04/2025 11:25

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 12/53 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử, dù thực tế cho thấy việc này mang lại lợi ích rõ rệt cho cả người bệnh lẫn bệnh viện. Tuy nhiên, theo Sở Y tế, việc triển khai vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bệnh án điện tử còn chậm, nhiều khó khăn

Từ Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến Công văn số 1463/BYT-K2ĐT và Quyết định 1150/QĐ-BYT của Bộ Y tế, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (BAĐT) đã được đặt ra rõ ràng, yêu cầu tất cả bệnh viện, viện có giường bệnh phải hoàn thành trước ngày 30/9/2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 12/53 đơn vị khám, chữa bệnh chủ động triển khai BAĐT.

Nhằm triển khai đúng tiến độ đề ra trong lộ trình chuyển đổi số, Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn đã chủ động ứng dụng nhiều giải pháp hiện đại như phần mềm quản lý thông tin bệnh viện, hệ thống báo cáo dịch bệnh điện tử, kết nối giám định BHYT, lấy số khám bệnh bằng căn cước công dân và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt...

Triển khai bệnh án điện tử ở Nghệ An: Tuyến huyện còn nhiều vướng mắc- Ảnh 1.
Bệnh viện Đa khoa TP Vinh là đơn vị đầu tiên ở Nghệ An thay thế hoàn toàn Hồ sơ bệnh án giấy bằng Hồ sơ BAĐT.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng – Giám đốc Trung tâm Y tế cho biết, ngay từ đầu năm 2025, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống bệnh án điện tử. Chỉ sau hơn hai tuần, đến ngày 18/1, các phần mềm liên quan đã được cài đặt nhờ sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị công nghệ. Tính đến hiện tại, hệ thống đã hoàn thành khoảng 70% và dự kiến sẽ vận hành đầy đủ vào cuối tháng 4/2025.

Không chỉ riêng TTYT huyện Nghĩa Đàn, ngày 4/4 vừa qua, Hội đồng chuyên môn ngành y tế Nghệ An đã tiến hành thẩm định thực tế điều kiện triển khai BAĐT tại TTYT huyện Nam Đàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Thắng – Giám đốc trung tâm, đơn vị đã bắt đầu triển khai BAĐT từ tháng 10/2024. Đến nay, toàn bộ hồ sơ bệnh án nội trú đã được số hoá; đồng thời, hệ thống cũng đã tích hợp tính năng ký số và nhận diện sinh trắc học bằng vân tay cho cả người bệnh và thân nhân. Sau khi vượt qua đợt thẩm định với kết quả đạt yêu cầu, Trung tâm dự kiến sẽ chính thức đưa BAĐT vào vận hành từ tháng 5/2025.

Triển khai bệnh án điện tử ở Nghệ An: Tuyến huyện còn nhiều vướng mắc- Ảnh 2.
Với BAĐT, sau khi khám xong, bệnh nhân thực hiện quét vân tay để xác nhận, không phải ký hồ sơ bệnh án như trước đây.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện lãnh đạo một bệnh viện hạng 2 tại Nghệ An cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) mang lại nhiều thuận lợi cho cả người dân và đội ngũ y, bác sĩ. Tuy nhiên, với nhiều bệnh viện, bài toán kinh phí là rào cản lớn. Theo vị này, bệnh viện hiện chưa đủ điều kiện để công bố triển khai BAĐT, nhưng đang nỗ lực đáp ứng một số tiêu chí như số hóa bệnh án, ứng dụng các công cụ tạo lập và quản lý dữ liệu bệnh nhân.

Tại thời điểm này, có tổng cộng 12/53 đơn vị y tế ở Nghệ An đã triển khai BAĐT. Điều đó cho thấy một phần nỗ lực đáng kể, nhưng cũng đồng nghĩa với việc hơn 75% số đơn vị còn lại đang trong trạng thái "chờ", chờ kinh phí, chờ hạ tầng, chờ hướng dẫn…

Khó khăn lớn nhất mà các TTYT tuyến huyện đang đối diện là nguồn lực đầu tư hạ tầng. Từ máy chủ, hệ thống mạng, thiết bị đầu cuối cho đến phần mềm, tất cả đều cần chi phí lớn. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc TTYT Nghĩa Đàn cho biết, đơn vị phải chi khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư mới phần mềm và thiết bị cần thiết. Đây là khoản chi rất lớn với một cơ sở y tế miền núi đang trong tình trạng tự chủ tài chính, lại còn phải xoay xở nguồn quỹ cho các hoạt động khám, chữa bệnh thường nhật.

Không riêng gì Nghĩa Đàn, TTYT huyện Quỳ Châu cũng lâm vào thế khó khi cần đầu tư gần 1 tỷ đồng. Do chưa thể bố trí ngân sách, đơn vị đành tạm thời thuê máy chủ và phần mềm, thanh toán theo tiến độ dài hạn. Ở huyện Anh Sơn, con số còn cao hơn, từ 5 đến 8 tỷ đồng nếu đầu tư trọn gói. Nếu thuê toàn bộ dịch vụ, chi phí có thể lên tới 1 tỷ đồng mỗi năm, một gánh nặng quá sức với các đơn vị không có nguồn thu ổn định.

Bài toán đầu tư công nghệ thông tin cho y tế vẫn thiếu lời giải rõ ràng. Hiện nay, chưa có mục chi riêng cho công nghệ thông tin trong kết cấu giá dịch vụ y tế. Các TTYT phải tự cân đối nguồn quỹ phát triển, đồng nghĩa với việc buộc phải hy sinh các hoạt động khác để dành "nuôi" BAĐT.

Cần thêm cú hích từ cơ chế

Theo Sở Y tế Nghệ An, BAĐT là một trong những nội dung cốt lõi, mắt xích quan trọng của chuyển đổi số y tế. Để triển khai được BAĐT cần phải làm rất nhiều việc như, triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm, đồng bộ hạ tầng và an toàn thông tin, kéo theo rất nhiều hạng mục khác nữa, dẫn đến chi phí triển khai quá lớn, gây khó khăn cho các bệnh viện.

Triển khai bệnh án điện tử ở Nghệ An: Tuyến huyện còn nhiều vướng mắc- Ảnh 3.
Đăng ký khám chữa bệnh và lấy số thứ tự bằng căn cước công dân tại Trung tâm Y tế Tân Kỳ.

Hiện các TTYT tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, hầu hết nguồn lực của bệnh viện đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh, không còn nhiều nguồn lực dành cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tuy nhiên, Bác sĩ Phạm Đình Luyện, Giám đốc TTYT huyện Quỳ Hợp khẳng định: "Khó khăn thì có, nhưng chúng tôi quyết không để chậm tiến độ. Có ít làm ít, thiếu thì thuê, nợ cũng phải triển khai".

Một rào cản lớn khác là sự thiếu đồng bộ giữa các phần mềm bệnh án điện tử. Hiện nay, tại Nghệ An đang tồn tại ít nhất hai hệ thống phần mềm khác nhau, được cung cấp bởi hai đơn vị khác nhau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong việc liên thông giữa các tuyến, đặc biệt là khi kết nối với hệ thống bảo hiểm xã hội và các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Trước thực trạng đó, nhiều lãnh đạo TTYT tuyến huyện đã kiến nghị Sở Y tế sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật và thống nhất sử dụng phần mềm dùng chung cho toàn ngành.

Hiện tại, Sở Y tế Nghệ An đang tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ các đơn vị để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ về kinh phí.

Không thể phủ nhận những hiệu quả vượt trội mà bệnh án điện tử mang lại – từ quản lý hồ sơ bệnh nhân chính xác, hỗ trợ hội chẩn từ xa, rút ngắn thời gian chờ khám, đến việc giúp người bệnh dễ dàng tra cứu thông tin qua ứng dụng di động. Thế nhưng, để hệ thống này thực sự “sống” và phát huy hiệu quả ở tuyến huyện, rất cần một cơ chế tài chính rõ ràng, sự hỗ trợ đồng bộ về hạ tầng, cùng với một chiến lược lâu dài trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

BAĐT là một hệ thống phần mềm hiện đại, được phát triển theo xu hướng công nghệ 4.0, cho phép số hóa toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình khám, chữa bệnh như bệnh án, đơn thuốc, kết quả cận lâm sàng... Hệ thống này không chỉ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mà còn hỗ trợ bác sĩ và nhân viên y tế dễ dàng theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe bệnh nhân một cách chính xác, mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài ra, BAĐT còn mở ra khả năng hội chẩn trực tiếp hoặc từ xa, góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Với sự hỗ trợ của công nghệ, người bệnh có thể tự đăng ký khám thông qua các thiết bị điện tử, tra cứu kết quả xét nghiệm, theo dõi diễn biến bệnh và nhận thông báo điều trị thông qua ứng dụng trên điện thoại. Nhờ đó, thời gian chờ khám và điều trị được rút ngắn, trải nghiệm của người bệnh tại các cơ sở y tế cũng trở nên tiện lợi, hiện đại và minh bạch hơn.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-benh-an-dien-tu-o-nghe-an-tuyen-huyen-con-nhieu-vuong-mac-169250409100107575.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-benh-an-dien-tu-o-nghe-an-tuyen-huyen-con-nhieu-vuong-mac-169250409100107575.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Triển khai bệnh án điện tử ở Nghệ An: Tuyến huyện còn nhiều vướng mắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO