Giác hơi nếu không đúng cách sẽ gây hậu quả khôn lường
Giác hơi là phương thức trị liệu độc đáo, đơn giản trong Đông y đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo nếu giác hơi không đúng cách hoặc không đúng đối tượng sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Thông tin trên zing, ngày 22/10 vừa qua, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (SN1967) bị nhiễm trùng hoại tử một vùng lưng. Bà N.T.T có tiền sử bệnh đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp.
Do bị đau mỏi vai gáy, bà được người quen tư vấn đi giác hơi. Tuy nhiên sau mấy lần giác hơi, phần da vùng lưng của bà bị phồng rộp, dần dần hình thành vết loét. Bà T đã tự mua thuốc điều trị ở nhà đến khi bệnh trở nặng, bà đến viện khám thì một vùng da lưng đã bị hoại tử. Bác sĩ sau đó phải chỉ định phẫu thuật cắt lọc phần da căng cơ hoại tử.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang)cho biết, trong quá trình giác hơi, bệnh nhân T có biểu hiện phồng rộp phần da lưng tuy nhiên đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục giác hơi những lần sau đó nên gây nên vết loét nặng. Đây không phải lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp bị hoại tử da sau giác hơi.

Giác hơi là phương pháp phòng và chữa một số chứng bệnh thông qua dụng cụ là ống giác thường được làm bằng các chất liệu như trúc, sành sứ, thủy tinh. Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận (chủ yếu là các vùng cơ dày), huyệt vị trên cơ thể.
Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng giúp điều chỉnh khí huyết, phục hồi sự cân bằng cho hệ thần kinh và hỗ trợ điều trịnhững bệnh thông thường như cảm lạnh, đau nhức, mỏi cơ khớp, đau lưng, đau đầu, tăng huyết áp, cảm mạo, ho kéo dài…
Liên quan đến liệu pháp chữa bệnh dân gian này, trao đổi trên Thanh Niên, bác sĩ Đào Hữu Minh ( Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết:Mặc dù giác hơi có công dụng nhiều với sức khỏe tuy nhiên không phải ai mắc bệnh gì cũng có thể chữa bằng phương pháp này. “Giác hơi nếu không đúng cách hoặc không đúng đối tượng sẽ gặp rủi ro không chỉ bị tổn thương trên bề mặt da mà còn tiềm ẩn những nguy cơ khác”, bác sĩ Minh nói.

Theo bác sĩ Lê Thân, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, khi giác hơi, trước hết chúng ta phải chú ý đến thời gian và tần suất giác. Thông thường thời gian giác không kéo dài, chỉ chừng 10-15 phút. Những bệnh cấp tính, mỗi ngày giác hơi một lần. Bệnh mạn tính cách một ngày giác hơi một lần, liên tục như thế 10-15 lần cho một liệu trình.Nếu tần suất giác hơi dày sẽ gây nhiễm trùng da khiến da có nguy cơ hoại tử.
Nơi được chọn để giác hơi thường là vùng đau rõ rệt hoặc “điểm đau”. Đó là nơi khí huyết đình trệ nên có liên quan đến nhiều chứng bệnh.Đặc biệt không được giác hơi ở hai bên cổ vì ở đây có động mạch cổ đi qua. Sử dụng ống giác kích thước lớn nhỏ tùy theo từng bộ phận, từng người bệnh, từng vị trí giác.
Những vùng có nhiều cơ, mặt bằng rộng lớn thì dùng ống cỡ to. Vùng nhỏ hẹp, cơ thịt mỏng, lớp mỡ dưới da tương đối ít thì dùng ống cỡ nhỏ.Sau khi giác hơi, người bệnh cần nghỉ ngơi, không hoạt động mạnh, không nên tắm ngay, tránh cọ xát da vùng giác. Trong quá trình giác, nếu có biểu hiện choáng, chóng mặt, ra mồ hôi nhiều, tứ chi lạnh hoặc phần da có biểu hiện phồng rộp… cần tháo lọ giác hơi ra và ngừng ngay quá trình giác.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, với những người có làn da nhạy cảm, hay bị chuột rút; người có cơ da đàn hồi kém, đau vùng thắt lưng, vùng bụng dưới, phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú, hoặc đang bị sốt phát ban;người trong tình trạng quá no, quá đói hoặc say rượu thì không nên sử dụng liệu pháp điều trị này.