Trường hợp nào dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh?

18:08 | 12/08/2022

Nhiễm khuẩn sơ sinh là nhiễm khuẩn mắc phải trước, trong khi sinh hoặc tháng đầu sau sinh. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh thường đa dạng, phức tạp. Do vậy bố mẹ trẻ cần có những hiểu biết nhất định để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Theo BS. Lê Trương Tuyết Minh (Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng từ trong bào thai, lúc sinh hoặc sau khi sinh. Nhiễm khuẩn sơ sinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non, cân nặng thấp. 

Nhiễm trùng có thể do virus, vi trùng. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh thường đa dạng, phức tạp. Chẳng hạn, một số trẻ bị viêm phổi nhưng không sốt, thậm chí còn bị hạ thân nhiệt. Do đó, bố mẹ trẻ cần có những hiểu biết nhất định để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

1. Trường hợp trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh

Mẹ vỡ ối sớm khi sinh: Nếu sản phụ vỡ ối sớm, vi khuẩn từ đường sinh dục của mẹ có thể xâm nhập dịch ối, gây viêm màng ối và nhiễm khuẩn ối hoặc nhiễm khuẩn trực tiếp tới thai nhi. Trong một số trường hợp sinh khó, dịch ối có thể có phân su hoặc chất gây giảm khả năng kìm hãm vi khuẩn. Thai nhi hoặc trẻ sơ sinh hít phải dịch ối nhiễm khuẩn có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp.

Mẹ có bệnh do xoắn khuẩn, khuẩn listeria, virus, nấm candida: Các tác nhân gây bệnh này có thể truyền cho con qua rau thai hoặc qua đường máu từ khi mẹ mang thai. Chúng cũng có thể lây nhiễm cho trẻ khi được sinh qua ngả âm đạo, biểu hiện là trẻ có tổn thương bề mặt da, niêm mạc mũi, họng, miệng, kết mạc, rốn...

Ngoài ra, trẻ được áp dụng các thủ thuật điều trị như đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch rốn... cũng dễ bị nhiễm khuẩn.

Trẻ sinh non là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn sơ sinh. Ảnh minh họa: TL

Trẻ sinh non là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn sơ sinh. Ảnh minh họa: TL

2. Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn sơ sinh

Do cơ địa của trẻ sơ sinh

Trẻ sinh non, sinh ra thiếu cân thì nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh sẽ càng cao. Bên cạnh đó, những trẻ bị ngạt khi sinh hoặc bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc một số bệnh nghiêm trọng thì rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh. 

Yếu tố can thiệp xâm lấn

Trẻ sinh non hoặc trẻ bị một số bệnh cần phải can thiệp xâm lấn thì nguy cơ bị nhiễm trùng sơ sinh cũng sẽ cao hơn so với những trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và không cần phải can thiệp xâm lấn.

Những trẻ phải đặt dụng cụ catheter trong lòng mạch, đặt nội khí quản và thở máy, chỉ một sai sót nhỏ trong quy trình thực hiện cũng có thể là nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng. 

Một số thủ thuật xâm lấn khác như đặt ống thông tiểu, phẫu thuật bong võng mạc sơ sinh, phẫu thuật tim bẩm sinh, những trường hợp trẻ phải chạy thận, đặt ống thông dạ dày, lọc máu, hay nuôi ăn qua ống thông trong thời gian dài… cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh. 

Yếu tố liên quan đến điều trị

Với một số trẻ sơ sinh gặp phải các vấn đề về sức khỏe và cần phải điều trị như thay máu, nằm viện kéo dài… Trong quá trình điều trị, trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Ví dụ như: 

- Trường hợp trẻ phải dùng thuốc ức chế thụ thể H2. Tác dụng phụ của thuốc có thể làm giảm độ PH dạ dày, khiến cho vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. 

- Trẻ phải dùng thuốc kháng sinh nhưng dùng không đúng cách hoặc dùng trong thời gian dài rất có thể dẫn đến kháng thuốc và gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

- Vì một số lý do khiến trẻ không được bú mẹ và phải nuôi ăn qua đường tiêu hóa hoặc tĩnh mạch cũng là một trong những nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng. 

Yếu tố môi trường

Nguồn không khí ô nhiễm, buồng bệnh không đảm bảo sát khuẩn, từ các trẻ khác, nhân viên chăm sóc, người nhà đến thăm… cũng có thể gây nhiễm khuẩn cho trẻ. 

Một số tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh

Trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn khi nhiễm phải các loại virus, vi khuẩn, nấm như thủy đậu, viêm gan, Echo virus, Listeria, Liên cầu tan huyết nhóm B, phế cầu... Hoặc một số trường hợp, mẹ bị rỉ ối, vỡ ối kéo dài cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho con. 

3. Các triệu chứng điển hình nhiễm khuẩn ở trẻ

Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn thường mắc một trong ba bệnh nặng: Viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Trẻ thường có các triệu chứng sau:

- Ngủ li bì, khó đánh thức.

- Cử động ít hơn bình thường.

- Bú kém hoặc bỏ bú.

- Nôn trớ ra tất cả mọi thứ.

- Thóp phồng.

- Cổ cứng.

- Chướng bụng.

- Co giật.

- Co rút lồng ngực nặng.

- Sốt hoặc hạ nhiệt độ.

- Tím tái, nổi vân tím ngoài da hoặc da xanh tái, có nốt xuất huyết hoặc ban ngoài da, phù cứng bì, vàng da.

- Thở nhanh hoặc thở không đều.

- Thở rên.

- Có cơn ngừng thở.

- Chảy mủ tai.

- Nhiều mụn mủ ngoài da hoặc mụn mủ ngoài da nặng.

- Tấy đỏ xung quanh rốn hoặc chảy mủ rốn.

- Đau khi sờ nắn các khớp, sưng khớp hoặc giảm vận động chi.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh kiểm tra sức khỏe cho trẻ sinh non. Ảnh: BVĐK TA

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh kiểm tra sức khỏe cho trẻ sinh non. Ảnh: BVĐK TA

4. Điều trị nhiễm trùng sơ sinh thế nào?

Theo ThS.BS Dương Văn Sỹ (Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng), trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sẽ cần điều trị tích cực và theo dõi sát sao để kịp thời xử lý nếu gặp phải biến chứng bằng cách sau:

4.1. Kháng sinh chống nhiễm khuẩn

Lựa chọn kháng sinh

Đối với nhiễm trùng sơ sinh sớm: Dùng 2 loại kháng sinh kết hợp: Aminosid và β lactamin. Khi chưa có kết quả kháng sinh đồ có thể cho trẻ dùng Penicilin hoặc Ampicillin phối hợp với Gentamicin hoặc Amikacin.

Nếu người mẹ được sử dụng kháng sinh trước đó mà trẻ nghi ngờ nhiễm vi khuẩn kháng Ampicilin (E.coli, Enterobacter) có thể chọn: Ceftriaxone, Claforan, Imipenem phối hợp Aminosid.

Nếu nghi ngờ do tụ cầu: kết hợp 3 loại kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3 + Vancomycin + Aminosid.

Nếu nghi ngờ trực khuẩn Gram(-): Cephalosporin thế hệ 3 + Imipenem. Đôi khi Quinolon phối hợp Aminoside hoặc Polymyxin.

Nếu nghi ngờ vi khuẩn kỵ khí chọn Metronidazol phối hợp. Sử dụng kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 rộng rãi, kéo dài là một yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn nấm Candida. Nếu trẻ đang dùng kháng sinh kéo dài mà tình trạng lâm sàng xấu đi thì phối hợp kháng sinh chống nấm nhóm Conazol. Khi có kháng sinh đồ thì phải điều chỉnh lại kháng sinh cho phù hợp.

4.2 Vệ sinh

Rửa tay sạch, sát khuẩn tay nhanh khi chuyển sang tiếp xúc trẻ khác.

Thay quần áo Blue hàng ngày, có mũ, khẩu trang, găng tay khi làm thủ thuật.

Thay chăn, ga, gối vô khuẩn, tiệt khuẩn giường, lồng ấp hàng ngày. Lau sàn nhà bằng thuốc sát khuẩn, không được quét sàn.

Hàng tháng có lịch tổng vệ sinh tiệt khuẩn phòng, phương tiện, trang thiết bị.

Nằm phòng riêng tránh tiếp xúc người nhà, chỉ nên thăm theo giờ.

Loại bỏ vi khuẩn:

Với nhiễm trùng da, mụn mủ, rốn, áp xe phải cắt lọc hết tổ chức hoại tử, rửa sạch bằng nước muối sinh lý.

Nếu có khe, hốc nhiều thì phải rửa sạch bằng oxy già, lau khô và dùng thuốc Betadine 2,5% sát trùng tại chỗ.

Chấm xanh Methylen vào nốt mụn phỏng trên da hoặc bôi kem kháng sinh.

4.3 Liệu pháp hỗ trợ

Cân bằng thân nhiệt

Nếu trẻ sốt ≥ 38,5 độ C thì dùng Paracetamol: 10-15mg/kg/1 lần, không quá 4 lần/ngày.

Nếu trẻ bị hạ nhiệt độ < 36,5 độ C: Ủ ấm bằng lồng ấp.

Cân bằng nước, điện giải, toan kiềm

Nuôi dưỡng đường miệng đầy đủ, truyền dịch phối hợp 50-100ml/kg/24 giờ.

Nếu có giảm tưới máu: dùng Dopamin 5-15μg/kg/1 phút để nâng huyết áp.

Chống suy hô hấp cấp

Oxy liệu pháp, thở CPAP, hô hấp hỗ trợ.

Chống rối loạn đông máu

Plasma tươi, truyền yếu tố đông máu, Vitamin K1. Truyền khối tiểu cầu khi tiểu cầu < 50.000/mm3 mà có xuất huyết hoặc tiểu cầu < 30.000/mm3 mặc dù không có xuất huyết.

Thay máu

Thay máu một phần trong trường hợp nhiễm trùng nặng, có tác dụng giảm độc tố và nồng độ vi khuẩn.

Thuốc tăng cường miễn dịch

Truyền Human Immunoglobulin liều 300-500 mg/kg/ngày x 3 ngày: có tác dụng giảm tỷ lệ tử vong trẻ nhiễm trùng.

Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sẽ cần điều trị tích cực và theo dõi sát sao để kịp thời xử lý nếu gặp phải biến chứng.

Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sẽ cần điều trị tích cực và theo dõi sát sao để kịp thời xử lý nếu gặp phải biến chứng.

5. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn trẻ sơ sinh

Trước khi sinh:

- Bà mẹ được khám thai, chủng ngừa đầy đủ. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục cho bà mẹ.

- Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.

- Chăm sóc vệ sinh cho bà mẹ mang thai tốt.

- Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài.

Trong khi sinh:

- Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc, cũng như những nhiễm trùng ở mẹ phải được điều trị tốt khi sinh.

- Tránh các biến chứng sản khoa: sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.

Khi trẻ ở bệnh viện

Đối với nhân viên y tế: Cần phải thường xuyên thay áo blouse mỗi ngày, khi thực hiện chăm sóc và điều trị cho trẻ cần tuân thủ mang đầy đủ những phương tiện phòng hộ bao gồm mũ, khẩu trang, găng tay. Phòng bệnh, giường bệnh, lồng ấp của trẻ cần được khử khuẩn và đảm bảo luôn sạch sẽ. 

Đối với người nhà: Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo và để đầu tóc gọn gàng, tránh để tóc chạm vào trẻ, đặc biệt là mắt trẻ. Thời gian này cần hạn chế khách đến thăm để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

Khi trẻ khi về nhà

- Vệ sinh phòng của bé sạch sẽ, nên dùng dung dịch sử khuẩn để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, loại bỏ những mầm bệnh từ đồ đạc trong phòng. 

- Nên cho trẻ ở phòng thông thoáng nhưng tránh gió lùa mạnh. 

- Hạn chế để khách thăm hôn trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh từ người đến thăm. 

- Cho trẻ bú mẹ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để trẻ có đủ dưỡng chất để phát triển. Khi hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu, các kháng thể của trẻ chủ yếu có được từ nguồn sữa mẹ. Bú mẹ sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn. 

- Tắm, vệ sinh trẻ đúng cách cho trẻ, đặc biệt lưu ý khi vệ sinh vùng da, vùng rốn và vùng mắt vì những vùng này rất dễ bị nhiễm khuẩn. 

- Giữ thân nhiệt ổn định cho trẻ, không để trẻ quá nóng hay quá lạnh, không quấn tã quá chặt, quá dày cho trẻ. 

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.