Từ vụ bé gái bị rắn cạp nia chui từ điều hòa ra cắn: Cách xử lý khi bị rắn cắn
Thông tin bé gái 7 tuổi ở Ninh Bình bị rắn cạp nia bò ra từ điều hòa cắn trọng thương khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Vậy nếu không may gặp phải trường hợp tương tự thì cần phải xử lý như thế nào và cách phòng tránh việc rắn 'sinh sống' trong điều hoà?
Rắn cạp nia nguy hiểm như thế nào?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia chống độc, TS.BS Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho hay, rắn cạp nia (tên gọi khác rắn mai gầm, rắn vòng vàng) là một trong những loài rắn cực độc ở Việt Nam, thường có màu đen với các khoang trắng hoặc vàng xen kẽ.

Cách xử lý khi bị rắn cắn
Theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, khi bị rắn cắn, bất kể là rắn độc hay không độc, người dân nên xử trí theo các bước sau, để bảo vệ tính mạng và hạn chế biến chứng:- Giữ bình tĩnh. Không hoảng loạn, vì sợ hãi làm tim đập nhanh hơn, khiến độc lan nhanh hơn.
- Bất động vùng bị cắn. Nếu bị cắn ở tay/chân, nên cố định như bó gãy xương, tránh cử động để làm chậm hấp thu nọc độc.
- Có thể dùng nẹp gỗ, băng vải mềm.
- Gọi người hỗ trợ và đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Nếu có thể, di chuyển nạn nhân bằng cáng hoặc xe, tránh đi bộ.
- Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không dùng xà phòng, cồn, rượu vì có thể làm tổn thương mô thêm.
- Ghi nhớ đặc điểm con rắn (nếu nhìn thấy). Nếu có thể, chụp ảnh con rắn để bác sĩ xác định loại và xử lý phù hợp. Không cố bắt rắn.
- Nới lỏng quần áo, theo dõi nạn nhân trên đường đi cấp cứu. Chuẩn bị sẵn phương tiện thở oxy hoặc gọi cấp cứu nếu có dấu hiệu khó thở.

Ngoài ra, người dân cần lưu ý, tuyệt đối không làm những điều sau:
- Không rạch vết thương, không hút máu/nọc bằng miệng.
- Không băng garo quá chặt trừ khi được hướng dẫn bởi nhân viên y tế.
- Không đắp lá, thuốc dân gian, thuốc nam.
- Không để nạn nhân đi bộ hoặc vận động mạnh.
Cách nào để tránh rắn cư ngụ trong điều hòa?
Theo anh Trần Văn Thụ, thợ lắp đặt và sửa chữa điều hòa ở Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, rắn chui vào điều hòa chủ yếu qua khe hở quanh đường ống đồng, dây điện. Vì vậy khi lắp đặt điều hòa, cần dùng keo silicone, xi măng, bọt nở hoặc nẹp nhôm để bịt kín các vị trí đó.

- Kiểm tra kỹ các hộp kỹ thuật, ống thoát nước, lỗ thông gió và các lối dẫn vào nhà khác.
- Giữ vệ sinh khu vực quanh dàn nóng. Không để rác, lá cây, gạch đá, đồ bỏ đi quanh dàn nóng vì đó là nơi trú ẩn lý tưởng cho rắn.
- Dọn sạch cỏ, bụi rậm xung quanh nhà, nhất là ở những khu vực sát đồng ruộng, vườn hoặc ao hồ.
- Có thể rắc bột lưu huỳnh hoặc bột hùng hoàng để đuổi rắn.
- Lắp lưới chắn chống rắn. Sử dụng lưới inox mắt nhỏ hoặc lưới nhựa chắn côn trùng để chặn các lỗ hở như: Miệng ống thoát nước điều hòa; Lỗ thông gió, hộp kỹ thuật; Xung quanh dàn nóng (vẫn đảm bảo thoát khí tốt)
- Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng điều hòa. Định kỳ mở nắp kiểm tra quạt gió, két tản nhiệt, đặc biệt nếu nghe tiếng động lạ hoặc thấy mùi tanh bất thường.