Vai trò của tiêm vaccine phòng bệnh cúm A

15:19 | 01/08/2022

Vaccine có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch. Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Theo BS Bạch Thị Chính (Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC toàn quốc) cho biết, vaccine cúm là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.

Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc.

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

Vaccine cúm là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm.

Vaccine cúm là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm.

1. Cúm A là gì?

Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Các chủng virus cúm A phổ biến là A/H5N1, A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh. 

Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác.

Các dấu hiệu của cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như: ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai thì cần theo dõi kĩ vì trong một số trường hợp biến chứng của cúm A có thể gây tử vong.

2. Vaccine có vai trò gì trong việc bảo vệ cơ thể?

Vaccine có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là những bệnh có khả năng biến chứng, để lại di chứng và gây tử vong. Tiêm vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng bằng cách phối hợp với hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để hình thành nên khả năng miễn dịch với những tác nhân gây bệnh cụ thể một cách an toàn. Vai trò của vaccine là rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tạo ra khả năng miễn dịch.

Cơ chế hoạt động của vaccine khi phát triển khả năng miễn dịch là bắt chước một tác nhân gây nhiễm trùng. Hay vaccine đóng vai trò như một vật thể lạ tương tự như vi trùng. Tuy nhiên, loại “vi trùng đặc biệt” này hầu như không có khả năng gây bệnh, nhưng nó giúp cho hệ thống miễn dịch sản xuất ra các tế bào lympho T và kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh tương ứng với loại vaccine được chủng ngừa. Đôi khi sau khi tiêm vaccine, biểu hiện nhiễm trùng nhẹ có thể xảy ra, chẳng hạn như sốt. Những triệu chứng nhẹ xuất hiện sau khi tiêm vaccine là hoàn toàn bình thường, hơn nữa đây còn được xem là dấu hiệu cơ thể đang có đáp ứng miễn dịch.

Khi tình trạng nhiễm trùng nhẹ biến mất, trong cơ thể sẽ xuất hiện các tế bào lympho T trí nhớ, đồng thời các tế bào lympho B cũng sẽ ghi nhớ cách chống lại tác nhân gây bệnh tương tự như vậy trong tương lai. Tuy nhiên thông thường phải mất một vài tuần để cơ thể sản xuất đủ lượng tế bào lympho T và tế bào lympho B sau khi tiêm chủng. Do đó, một vài trường hợp có thể bị nhiễm bệnh ngay trước hoặc ngay sau khi tiêm vaccine vì hiệu quả bảo vệ chưa phát triển hoàn chỉnh.

Tiêm vaccine phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm.

Tiêm vaccine phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm.

3. Vì sao nên tiêm vaccine phòng cúm mùa (cúm A)?

Cúm mùa là một bệnh nghiêm trọng với các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, chán ăn, sổ mũi, ho khan, đau họng. Khi các triệu chứng này nặng hơn cũng là lúc cúm mùa sẽ gây ra những biến chứng đáng tiếc, thậm chí gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh cúm mùa. Bệnh cúm mùa rất dễ lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi... Vậy nên ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh cúm và lây lan cho những người khác.

Lợi ích của việc tiêm vaccine phòng cúm A hàng năm là:

● Tiêm vaccine phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng phòng cúm sau khi tiêm vaccine phòng bệnh đạt tới 96-97%.

● Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể giảm nhẹ hơn các triệu chứng, nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

● Đặc biệt ở phụ nữ có thai, việc tiêm vaccine ngừa cúm trước khi mang thai có tác dụng rất lớn, giúp bảo vệ cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ và những tháng đầu sau sinh bởi kháng thể “mẹ truyền cho con” có thời gian tồn tại kéo dài tới 9 - 12 tháng.

4. Tiêm vaccine có nguy hiểm không?

Theo BSCKI Trần Thanh Phước (Bác sĩ Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City), tiêm vaccine là biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại nhiều bệnh nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người cho rằng khả năng miễn dịch mắc phải khi bị bệnh là tốt hơn so với miễn dịch chủ động do vaccine cung cấp. Trong khi đó, nhiễm trùng tự nhiên có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến tử vong. Điều này đúng ngay cả đối với các bệnh mà nhiều người cho là nhẹ, như thủy đậu.

Cũng tương tự như bất kỳ loại thuốc nào, vaccine cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ nếu có xảy ra là tương đối nhẹ và chủ yếu liên quan đến đáp ứng miễn dịch. Mặt khác, nhiều triệu chứng bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine có thể rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Như vậy, lợi ích của tiêm vaccine trong việc bảo vệ cơ thể là vượt trội so với nguy cơ tác dụng phụ.

5. Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào, tháng mấy trong năm?

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho hay, hiện chưa có thuốc điều trị hữu hiệu cho cúm. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa vaccine không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế nặng nề trên toàn cầu.

Theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông – xuân. Do vậy, thời điểm thích hợp tiêm vaccine cúm là khoảng 2 tuần – 1 tháng trước khi vào mùa dịch vì sau khi tiêm, cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm.

6. Đối tượng cần nên tiêm phòng vaccine cúm?

Vaccine cúm quan trọng với tất cả mọi lứa tuổi. Tiêm vaccine ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe.

Hầu hết những người mắc cúm thường ở tình trạng nhẹ, không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus và nhanh chóng hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới 2 tuần. Tuy nhiên, cúm mùa có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như: viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai… thậm chí là tử vong. Cúm cũng khiến các bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn như người mắc bệnh hen suyễn mãn tính dễ bị các cơn hen suyễn kịch phát hành hạ, bệnh nhân suy tim sung huyết mãn tính có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn…

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa gồm:

Người trên 65 tuổi.

Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai.

Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư…

Người nhiễm HIV/AIDS.

Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích cần tiêm vaccine phòng cúm.

Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng được khuyến khích cần tiêm vaccine phòng cúm.

7. Đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine cúm?

Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Những người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể phản ứng quá mẫn nặng đe dọa tính mạng hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vaccine, có thể bao gồm gelatin, kháng sinh hoặc các thành phần khác.

Ngoài ra, những đối tượng nên thận trọng và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi tiêm phòng vaccine cúm như:

Người bị dị ứng với trứng: Những người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (có các triệu chứng khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng).

Người mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS).

Người đang cảm thấy sức khỏe không tốt như đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, bị sốt vừa hay sốt cao.

8. Vaccine cúm có tác dụng trong bao lâu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm thiểu 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm thường có tính đột biến và khả năng thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vaccine cúm nhắc lại hàng năm.

Vaccine cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm, vaccine có thể tạo kháng thể để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi sự tấn công của virus cúm.

9. Vaccine phòng cúm có mấy loại? Phòng được những loại virus nào?

Vaccine cúm mùa gồm 4 loại: Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam) phòng được 3 chủng cúm, gồm 2 chủng cúm A (A/H1N1, A/H3N2), 1 chủng cúm nhóm B (Yamagata hoặc Victoria).

Vaccine cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng được 4 chủng cúm nguy hiểm nhất hiện nay là chủng cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và chủng cúm B (Yamagata, Victoria). 

Tin cùng chuyên mục

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8 loại rau rẻ tiền nhưng tốt hơn thuốc bổ, người Việt nên ăn thường xuyên để kéo dài tuổi thọ

8:26 | 19/04/2024

Nếu bạn muốn sống đến 100 tuổi, chuyên gia dinh dưỡng và tuổi thọ người Mỹ cho biết có một loại thực phẩm đặc biệt mà bạn nên ăn hằng ngày, đó là rau lá xanh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.