Vì sao trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh?

17:47 | 10/08/2022

Nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng nhiễm khuẩn trên trẻ lứa tuổi sơ sinh (từ lúc sinh cho đến 28 ngày tuổi). Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh thường đa dạng, phức tạp. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh có nguy cơ gây tử vong cao.

ThS.BSNT Trần Tiến Tùng (Chuyên khoa - Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh non thường chưa được hoàn thiện, hoạt động kém. Vì thế, trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn sơ sinh là các bệnh nhiễm trùng xảy ra từ lúc trẻ mới sinh đến 28 ngày tuổi, có nguyên nhân trước sinh, trong sinh và sau khi sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh có nguy cơ gây tử vong cao chỉ sau hội chứng suy hô hấp.

1. Nhiễm khuẩn sơ sinh là gì?

Nhiễm khuẩn sơ sinh là nhiễm khuẩn mắc phải trước, trong khi sinh hoặc tháng đầu sau sinh. Nhiễm trùng có thể do virus, vi trùng. Các triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh thường đa dạng, phức tạp. Chẳng hạn, một số trẻ bị viêm phổi nhưng không sốt, thậm chí còn bị hạ thân nhiệt.

Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Nhất là ở những trẻ sơ sinh non yếu, vừa sinh ra đã phải cần nhiều thủ thuật xâm lấn vào cơ thể.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu không chỉ ở những nước chậm phát triển, đang phát triển mà vẫn còn ở cả các quốc gia phát triển trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện có nguy cơ cao xảy ra ở các khoa như: khoa sơ sinh, khoa bỏng, khoa hồi sức tích cực và đặc biệt ở những trẻ có can thiệp thủ thuật xâm lấn.

Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ mắc nhiễm khuẩn do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Ảnh minh họa

Trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ mắc nhiễm khuẩn do hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Ảnh minh họa

2. Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn sơ sinh

Do cơ địa của trẻ sơ sinh

Trẻ sinh non, sinh ra thiếu cân thì nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh sẽ càng cao. Bên cạnh đó, những trẻ bị ngạt khi sinh hoặc bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc một số bệnh nghiêm trọng thì rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh. 

Yếu tố can thiệp xâm lấn

Trẻ sinh non hoặc trẻ bị một số bệnh cần phải can thiệp xâm lấn thì nguy cơ bị nhiễm trùng sơ sinh cũng sẽ cao hơn so với những trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và không cần phải can thiệp xâm lấn.

Những trẻ phải đặt dụng cụ catheter trong lòng mạch, đặt nội khí quản và thở máy, chỉ một sai sót nhỏ trong quy trình thực hiện cũng có thể là nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng. 

Một số thủ thuật xâm lấn khác như đặt ống thông tiểu, phẫu thuật bong võng mạc sơ sinh, phẫu thuật tim bẩm sinh, những trường hợp trẻ phải chạy thận, đặt ống thông dạ dày, lọc máu, hay nuôi ăn qua ống thông trong thời gian dài… cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh. 

Yếu tố liên quan đến điều trị

Với một số trẻ sơ sinh gặp phải các vấn đề về sức khỏe và cần phải điều trị như thay máu, nằm viện kéo dài,… Trong quá trình điều trị, trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Ví dụ như: 

- Trường hợp trẻ phải dùng thuốc ức chế thụ thể H2. Tác dụng phụ của thuốc có thể làm giảm độ PH dạ dày, khiến cho vi khuẩn có hại dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. 

- Trẻ phải dùng thuốc kháng sinh nhưng dùng không đúng cách hoặc dùng trong thời gian dài rất có thể dẫn đến kháng thuốc và gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

- Vì một số lý do khiến trẻ không được bú mẹ và phải nuôi ăn qua đường tiêu hóa hoặc tĩnh mạch cũng là một trong những nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng. 

Yếu tố môi trường

Ví dụ như nguồn không khí ô nhiễm, buồng bệnh không đảm bảo sát khuẩn, từ các trẻ khác, nhân viên chăm sóc, người nhà đến thăm… cũng có thể gây nhiễm khuẩn cho trẻ. 

Một số tác nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh

Trẻ cũng có thể bị nhiễm khuẩn khi nhiễm phải các loại virus, vi khuẩn, nấm như thủy đậu, viêm gan, Echo virus, Listeria, Liên cầu tan huyết nhóm B, phế cầu... Hoặc một số trường hợp, mẹ bị rỉ ối, vỡ ối kéo dài cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho con. 

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh.

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh.

3. Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn sơ sinh

3.1. Nhiễm khuẩn sơ sinh sớm

Nhiễm khuẩn sơ sinh sớm là nhiễm khuẩn xảy ra trong vòng 3 ngày đầu sau sinh. (trước 72h sau sinh). Dạng lâm sàng thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết. Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh sớm bao gồm:

- Hô hấp: xanh tím, rối loạn nhịp thở, thở rên, thở nhanh > 60 lần/phút + co kéo, ngừng thở > 15 giây.

- Tim mạch: xanh tái, da nổi bông, nhịp tim nhanh > 160 lần/phút, lạnh đầu chi, thời gian hồng trở lại của da kéo dài > 3s, huyết áp hạ.

- Tiêu hóa: bú kém, bỏ bú, trướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, dịch dạ dày ứ > 2/3 số lượng sữa bơm cử trước.

- Da và niêm mạc: da tái, nổi vân tím, phát ban, xuất huyết, vàng da sớm trước 24 giờ. nốt mủ, phù nề, cứng bì.

- Thần kinh: tăng hoặc giảm trương lực cơ, dễ bị kích thích, co giật, thóp phồng, giảm phản xạ, hôn mê.

- Huyết học: tử ban, tụ máu dưới da, xuất huyết nhiều nơi, gan lách to.

- Thực thể: đứng cân hoặc sụt cân. Rối loạn điều hòa thân nhiệt.

3.2. Nhiễm khuẩn sơ sinh muộn

Nhiễm khuẩn sơ sinh muộn là nhiễm trùng xảy ra sau ngày thứ 5 sau sinh. Các dạng lâm sàng chính là nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng tại chỗ (nhiễm trùng tiểu, da, rốn, niêm mạc, viêm khớp xương, viêm ruột hoại tử).

Triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn sơ sinh muộn:

- Nhiễm trùng huyết: Triệu chứng tương tự như nhiễm khuẩn sơ sinh sớm.

- Viêm màng não: Có thể triệu chứng riêng lẻ, không rõ ràng.

+ Sốt dai dẳng hoặc thân nhiệt không ổn định.

+ Thay đổi tri giác, thay đổi trương lực cơ, co giật, dễ bị kích thích, ngưng thở, khóc thét, thóp phồng.

+ Triệu chứng màng não có thể có hoặc không.

+ Thở không đều, rối loạn vận mạch, nôn ói.

- Nhiễm trùng da

+ Nốt mủ bằng đầu đinh ghim, đều nhau, nông, lúc đầu trong sau mủ đục. Mụn khô để lại vảy trắng dễ bong.

+ Nốt phỏng to nhỏ không đều, lúc đầu chứa dịch trong nếu bội nhiễm thì có mủ đục,vỡ để lại nền đỏ, chất dịch trong lan ra xung quanh thành mụn mới.

+ Viêm da bong (bệnh Ritter): lúc đầu là mụn mủ quanh miệng sau lan toàn thân, thượng bì bị nứt bong từng mảng, để lại vết trợt đỏ ướt huyết tương.

+ Toàn thân: nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt cao, mất nước. Có thể kèm: viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng máu.

- Nhiễm trùng rốn

+ Rốn thường rụng sớm, sưng đỏ, tím bầm, chảy mủ hoặc máu, mùi hôi, sưng tấy xung quanh.

+ Rốn thường rụng muộn, ướt, có mùi hôi, sưng tấy toàn thân. Có thể: sốt, kém ăn, trướng bụng, rối loạn tiêu hóa.

- Nhiễm trùng tiểu: Thường có vàng da. Cấy nước tiểu có vi trùng.

- Viêm ruột hoại tử: Tiêu phân máu. Triệu chứng tắc ruột, có thể có phản ứng thành bụng.

- Nhiễm trùng niêm mạc:

+ Viêm kết mạc tiếp hợp: trẻ nhắm mắt, nề đỏ mi mắt, tiết dịch hoặc chảy mủ.

+ Nấm miệng: Nấm thường ở mặt trên lưỡi, lúc đầu màu trắng như cặn sữa, nấm mọc dày lên, lan rộng khắp lưỡi, mặt trong má xuống họng, nấm ngả màu vàng làm trẻ đau bỏ bú. Có thể gây tiêu chảy, viêm phổi nếu nấm rơi vào đường tiêu hóa và phổi.

4. Trường hợp trẻ dễ mắc nhiễm khuẩn sơ sinh

Mẹ vỡ ối sớm khi sinh: Nếu sản phụ vỡ ối sớm, vi khuẩn từ đường sinh dục của mẹ có thể xâm nhập dịch ối, gây viêm màng ối và nhiễm khuẩn ối, hoặc nhiễm khuẩn trực tiếp tới thai nhi. Trong một số trường hợp sinh khó, dịch ối có thể có phân su hoặc chất gây giảm khả năng kìm hãm vi khuẩn. Thai nhi hoặc trẻ sơ sinh hít phải dịch ối nhiễm khuẩn có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp.

Mẹ có bệnh do xoắn khuẩn, khuẩn listeria, virus, nấm candida: Các tác nhân gây bệnh này có thể truyền cho con qua rau thai hoặc qua đường máu từ khi mẹ mang thai. Chúng cũng có thể lây nhiễm cho trẻ khi được sinh qua ngả âm đạo, biểu hiện là trẻ có tổn thương bề mặt da, niêm mạc mũi, họng, miệng, kết mạc, rốn...

Ngoài ra, trẻ được áp dụng các thủ thuật điều trị như đặt ống nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch rốn... cũng dễ bị nhiễm khuẩn.

Mẹ vỡ ối sớm, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh hít phải dịch ối nhiễm khuẩn có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp.

Mẹ vỡ ối sớm, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh hít phải dịch ối nhiễm khuẩn có thể mắc các bệnh ở đường hô hấp.

5. Các triệu chứng điển hình nhiễm khuẩn ở trẻ

Trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn thường mắc một trong ba bệnh nặng: Viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Trẻ thường có các triệu chứng sau:

- Ngủ li bì, khó đánh thức.

- Cử động ít hơn bình thường.

- Bú kém hoặc bỏ bú.

- Nôn trớ ra tất cả mọi thứ.

- Thóp phồng.

- Cổ cứng.

- Chướng bụng.

- Co giật.

- Co rút lồng ngực nặng.

- Sốt hoặc hạ nhiệt độ.

- Tím tái, nổi vân tím ngoài da hoặc da xanh tái, có nốt xuất huyết hoặc ban ngoài da, phù cứng bì, vàng da.

- Thở nhanh hoặc thở không đều.

- Thở rên.

- Có cơn ngừng thở.

- Chảy mủ tai.

- Nhiều mụn mủ ngoài da hoặc mụn mủ ngoài da nặng.

- Tấy đỏ xung quanh rốn hoặc chảy mủ rốn.

- Đau khi sờ nắn các khớp, sưng khớp hoặc giảm vận động chi.

6. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh đi khám bệnh?

Khi trẻ có các biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần nhận biết kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện sớm:

- Khó thở.

- Co giật.

- Sốt hoặc cảm thấy lạnh.

- Hoàn toàn không bú được.

- Mụn mủ da.

- Vàng da.

- Rốn đỏ hoặc chảy mủ.

- Bú dưới 5 lần trong 24 giờ.

Nhiễm khuẩn sơ sinh là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nên bố mẹ cần cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ.

Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn sơ sinh cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn sơ sinh cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

7. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn trẻ sơ sinh

Trước khi sinh:

- Bà mẹ được khám thai, chủng ngừa đầy đủ. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục cho bà mẹ.

- Cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.

- Chăm sóc vệ sinh cho bà mẹ mang thai tốt.

- Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài.

Trong khi sinh:

- Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc, cũng như những nhiễm trùng ở mẹ phải được điều trị tốt khi sinh.

- Tránh các biến chứng sản khoa: sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.

Khi trẻ ở bệnh viện

Đối với nhân viên y tế: Cần phải thường xuyên thay áo blouse mỗi ngày, khi thực hiện chăm sóc và điều trị cho trẻ cần tuân thủ mang đầy đủ những phương tiện phòng hộ bao gồm mũ, khẩu trang, găng tay. Phòng bệnh, giường bệnh, lồng ấp của trẻ cần được khử khuẩn và đảm bảo luôn sạch sẽ. 

Đối với người nhà: Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên thay quần áo và để đầu tóc gọn gàng, tránh để tóc chạm vào trẻ, đặc biệt là mắt trẻ. Thời gian này cần hạn chế khách đến thăm để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

Vệ sinh trẻ đúng cách cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh.

Vệ sinh trẻ đúng cách cho trẻ là biện pháp hữu hiệu phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn sơ sinh.

Khi trẻ khi về nhà

- Vệ sinh phòng của bé sạch sẽ, nên dùng dung dịch sử khuẩn để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, loại bỏ những mầm bệnh từ đồ đạc trong phòng. 

- Nên cho trẻ ở phòng thông thoáng nhưng tránh gió lùa mạnh. 

- Hạn chế để khách thăm hôn trẻ để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm bệnh từ người đến thăm. 

- Cho trẻ bú mẹ: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để trẻ có đủ dưỡng chất để phát triển. Khi hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu, các kháng thể của trẻ chủ yếu có được từ nguồn sữa mẹ. Bú mẹ sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh tật hiệu quả hơn. 

- Tắm, vệ sinh trẻ đúng cách cho trẻ, đặc biệt lưu ý khi vệ sinh vùng da, vùng rốn và vùng mắt vì những vùng này rất dễ bị nhiễm khuẩn. 

- Giữ thân nhiệt ổn định cho trẻ, không để trẻ quá nóng hay quá lạnh, không quấn tã quá chặt, quá dày cho trẻ. 

Tin cùng chuyên mục

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

Bất ngờ gia đình có 4 người bị đột tử, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân từ một căn bệnh hiếm gặp

8:22 | 11/04/2024

Chưa từng ghi nhận bệnh lý tim mạch, nhưng theo thông tin khai thác trong gia đình bệnh nhân 39 tuổi đã có 4 thành viên đột tử không rõ nguyên nhân.

Loại củ được ví như 'sâm nước', ăn chơi mùa hè nhưng giúp thải độc gan và ngừa bệnh tim mạch cực tốt

Loại củ được ví như 'sâm nước', ăn chơi mùa hè nhưng giúp thải độc gan và ngừa bệnh tim mạch cực tốt

15:20 | 09/04/2024

Củ mã thầy tốt cho người mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, giảm nguy cơ sỏi thận, thải độc gan và thải độc ruột cực tốt.

Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến ăn thịt gà, khi ăn cần làm điều này để phòng bệnh!

Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến ăn thịt gà, khi ăn cần làm điều này để phòng bệnh!

8:19 | 07/04/2024

Khi nấu thịt gà, hãy chắc rằng thịt đã được chín một cách triệt để trước khi ăn. Với thịt gà sống cần cẩn thận không để bắn nước lên thực phẩm và vật dụng vì có thể làm lây lan mầm bệnh.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.