Xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) để giải quyết kịp thời các hạn chế, bất cập của thực tiễn
Việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật; xác định và đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm...
Chiều 21/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ soạn thảo dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) đã chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến góp ý về hồ sơ xây dựng Luật.

Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Cục An toàn thực phẩm trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) và báo cáo các bước quy trình thực hiện xây dựng Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về nội dung Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) .

Theo dự thảo, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi gồm 11 Chương, 51 Điều. Ngoài Quy định chung và Điều khoản thi hành, Luật quy định những vấn đề về: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng; điều kiện của cơ sở kinh doanh; nhập khẩu và xuất khẩu; quảng cáo, ghi nhãn; kiểm nghiệm; phân tích và quản lý nguy cơ và khắc phục cự cố đối với thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến làm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; Quản lý Nhà nước về thực phẩm.






