12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp ở trẻ

16:59 | 09/07/2022

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể cũng như bệnh dịch ngoài môi trường. Ngoài lưu tâm tới những triệu chứng bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể, cùng các nguy cơ bệnh dịch ngoài môi trường, khiến trẻ em trong độ tuổi đi học có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, khả năng học tập, chất lượng sống.

Bệnh truyền nhiễm đều có khả năng lây từ người bệnh sang người lành, nhiều bệnh phát triển thành dịch, đại dịch gây tử vong cũng lớn.

1.  Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây, đây là dạng bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.

Khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa

2. Các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ

2.1. COVID 19 – Coronavirus:

COVID-19: “Đại dịch Corona” còn có tên gọi khác là corona viêm phổi Vũ Hán, là một bệnh do virus có tên gọi SARS-CoV-2 gây ra và được phát hiện vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Căn bệnh này rất dễ lây lan và đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới.

Giống như nhiều loại virus đường hô hấp khác, coronavirus lây lan nhanh chóng qua các giọt nhỏ bắn ra khỏi miệng hoặc mũi khi thở, ho, hắt hơi hoặc nói.

COVID-19 thường gây ra các triệu chứng hô hấp, có thể cảm thấy giống như cảm lạnh, cúm hoặc viêm phổi. Coronavirus SARS-CoV-2 có thể tấn công không chỉ phổi và hệ hô hấp mà các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

COVID-19 có các triệu chứng phổ biến là sốt, ho và mệt mỏi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, đau hoặc tức ngực, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, lú lẫn, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng và phát ban trên da. Ngoài những triệu chứng này, trẻ sơ sinh có thể khó bú.

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể lây nhiễm COVID-19. Trong khi trẻ em và người lớn gặp các triệu chứng tương tự, trẻ em thường ít mắc bệnh nghiêm trọng hơn người lớn.

Cha mẹ cần làm gì:

Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người trong mùa dịch.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, nên đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

2.2. Cúm

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (mũi, họng và phổi) gây ra bởi virus cúm, bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác. Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt cao trên 37.8 độ C, ho, đau cổ họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cả người, nhức đầu và cảm thấy rất mệt, một số người có thể ói mửa hoặc tiêu chảy.  

Bệnh cúm lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Bệnh cúm có thời gian ủ bệnh từ 1- 4 ngày, thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ cần làm gì:

Khi trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh, phụ huynh cần để trẻ ở nhà.

Dạy trẻ che miệng khi ho và hắt hơi.

Cho trẻ rửa tay thường với xà bông và nước hoặc xoa tay với các loại nước cồn (alcohol).

Không để trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

Cho trẻ tiêm vaccine cúm theo khuyến cáo để phòng bệnh cúm mùa. 

Trẻ dễ mắc bệnh cúm khi tiếp xúc với người bị mang virus gây bệnh.

Trẻ dễ mắc bệnh cúm khi tiếp xúc với người bị mang virus gây bệnh.

2.3. Bệnh lao

Bệnh lao là do một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người thông qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường chỉ cần vô tình hít phải một vài trong số những vi khuẩn lao này đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh tại phổi.

Vi khuẩn gây ra bệnh lao không chỉ tấn công mỗi phổi mà nó có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, điển hình như thận, cột sống và não để gây bệnh tại đó. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong.

Cha mẹ cần làm gì:

Bệnh lao có các dấu hiệu thường giống với các bệnh hô hấp như: cảm cúm, viêm hô hấp, cảm lạnh… Vì thế mà cha mẹ cần đặc biệt chú ý đưa trẻ tới các phòng khám nhi gần nhất hoặc bệnh viện để thăm khám kịp thời. Bởi ở môi trường bên trong cơ thể vi khuẩn lao sẽ tiếp tục phát triển và gây hại đến phổi, đường hô hấp và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

2.4. Bệnh bại liệt

Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do virus Polio (Poliovirus) gây nên, có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis: AFP).

Virus Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virus Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.

Triệu chứng bệnh bại liệt xuất hiện khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh bại liệt. Bệnh bại liệt có thể biểu hiện các triệu chứng nhẹ nhàng trong thể bại liệt không điển hình không tổn thương hệ thần kinh trung ương, nhưng cũng có thể là rất nghiêm trọng trong thể liệt. Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng.

Bệnh bại liệt được chia làm ba thể:

Bại liệt thể nhẹ: các triệu chứng thường gặp nhất là những triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng do virus khác gây ra, bao gồm: sốt cao, đau đầu, mất ngủ, rát cổ họng, buồn nôn và nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh có thể hồi phục trong vài ngày.

Bại liệt thể không liệt: hay còn gọi là thể viêm màng não vô khuẩn, biểu hiện thường gặp nhất là đau đầu, cứng cổ, và thay đổi chức năng tâm thần.

Bại liệt thể liệt: triệu chứng phổ biến nhất là sốt và sau đó đau đầu, cứng cổ và lưng, táo bón và nhạy cảm khi bị chạm vào người. Bệnh nhân dần dần mất cảm giác và vận động ở phần dưới của cơ thể dẫn đến liệt không đối xứng. Sau đó bệnh nhân sẽ phục hồi dần trong vòng từ 2 đến 6 tháng. Trong các trường hợp nặng hơn, nếu liệt cả tủy sống và hành tủy có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Cha mẹ cần làm gì:

Giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thực phẩm.

Giám sát bệnh và người lành mang mầm bệnh.

Trẻ được chẩn đoán lâm sàng xác định hoặc nghi ngờ mắc bệnh bại liệt cần được chuyển đến bệnh viện thăm khám, cách ly để điều trị và theo dõi.

Xử lý môi trường xảy ra dịch, bệnh viện nơi điều trị bệnh nhân bằng các thuốc khử trùng, tẩy uế chloramine B, formalin, các chất oxy hoá, vôi bột.

Tiệt trùng quần áo, chăn màn, đồ dùng và vật dụng sinh hoạt.

Tiêm vaccine phòng bại liệt cho trẻ.

2.5. Bệnh thủy đậu:

Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra.

Thủy đậu là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người mang bệnh qua con đường nói chuyện, ho, hắt hơi. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển và sức khỏe của thai nhi.

Thủy đậu có biểu hiện ban đầu là nổi các mụn nước trên da, niêm mạc lưỡi, miệng, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.

Bệnh thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn sau 1 – 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời và đúng cách nếu không bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…

Cha mẹ cần làm gì:

Tiêm phòng vaccine thủy đậu để ngăn ngừa bệnh.

Khi trẻ có dấu hiệu và triệu chứng bệnh, phụ huynh nên để trẻ ở nhà, không cho trẻ đi học và đến chỗ đông người để tránh lây nhiễm cho trẻ khác và người chưa có miễn dịch.

Cách ly trẻ với người xung quanh chưa có miễn dịch trong gia đình để hạn chế lây nhiễm.

Không để trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine để ngăn ngừa bệnh thủy đậu.

Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine để ngăn ngừa bệnh thủy đậu.

2.6. Viêm phổi do phế cầu khuẩn

Viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn phế cầu là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây nhiễm trùng tại phổi, làm phổi bị tổn thương và viêm, bệnh có thể tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là một loại vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Vi khuẩn này trú ngụ ở vùng mũi họng của tất cả những người khỏe mạnh bình thường. Có đến gần 50% trẻ khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong mũi họng, chỉ chờ gây bệnh ngay khi có điều kiện thuận lợi. Do đó, các bệnh do phế cầu, nhất là viêm phổi rất dễ bùng phát ở những người có hệ miễn dịch kém như trẻ dưới 5 tuổi.

Giống với các triệu chứng nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp thông thường khác, khi vi khuẩn phế cầu tấn công gây viêm phổi, người bệnh sẽ có những biểu hiện cấp tính như sốt cao, đau ngực, ho nhiều… Khi bị viêm phổi, trẻ nhỏ dễ có nguy cơ diễn tiến nặng, triệu chứng ban đầu thường là ho nhiều, sốt cao, khóc quấy, bỏ bú, trẻ có biểu hiện thở nhanh (40-50 lần/phút). Một em bé nếu mắc viêm phổi nặng có suy hô hấp có thể phải vào thở máy sẽ thêm nhiều yếu tố đe dọa.

Cha mẹ cần làm gì:

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng có thể xảy ra.

Tạo môi trường sống lành mạnh, không khói bụi, ô nhiễm.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nuôi trẻ bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời.

Tiêm vaccine phòng ngừa vi khuẩn phế cầu là một phương pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ em.

2.7. Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Nguyên nhân gây bệnh do hai nhóm tác nhân là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch. Bệnh tay chân miệng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Cha mẹ cần làm gì:   

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần để trẻ ở nhà từ 7-10 ngày; hạn chế tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh khi ở chung nhà hay ngoài cộng đồng.

Tránh những thức ăn và đồ uống có tính axit như trái cây hay nước trái cây chua và thức uống có gas, tránh thức ăn mặn hoặc cay, cho trẻ ăn thức ăn mềm lỏng.

Cho trẻ đi khám tại cơ sở y tế để chẩn đoán và được hướng dẫn phương pháp điều trị, theo dõi trẻ.

Đưa trẻ đến khám ngay khi có dấu hiệu nặng.

Thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của bệnh tay chân miệng tại nhà như khử trùng tất cả đồ chơi và các đồ vật khác mà trẻ tiếp xúc.

Trẻ mắc tay chân miệng do các yếu tố sinh hoạt tập thể.

Trẻ mắc tay chân miệng do các yếu tố sinh hoạt tập thể.

2.8. Sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và có thể gây thành dịch. Virus Dengue với 4 typ thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Sốt xuất huyết có biểu hiện đặc trưng sốt và xuất huyết (xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, mảng…; xuất huyết niêm mạc: chảy máu mũi, chảy máu chân răng...; xuất huyết nội tạng: nôn ra máu, đại tiện ra máu..), ngoài ra bệnh nhân thấy đau đầu, đau cơ, nhức hai hốc mắt….

Sốt xuất huyết có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, bệnh nhân có thể diễn biến nặng, sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bố mẹ cần làm gì:

Trẻ sốt trên 2 ngày cần được đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán bệnh.

Nếu trẻ được điều trị ngoại trú, phải tái khám theo lịch hẹn hoặc ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nặng lên. Cha mẹ cần lưu ý:

Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của trẻ để nắm được diễn tiến ngày bệnh và kịp thời hạ sốt cho trẻ.

Không tự ý dùng các thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen hay các thuốc khác mà chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu: cháo, bột, sữa… chia thành nhiều cữ (6 – 8 cữ/ngày).

Không cho trẻ ăn các thực phẩm có màu nâu, đỏ vì khó phân biệt trong trường hợp trẻ có thể nôn ra máu.

Cho trẻ uống nhiều nước: nước dừa, nước cam, nước chanh, dung dịch Oresol…

Theo dõi kỹ tình trạng của bé, nếu có dấu hiệu tăng nặng cần đưa bé đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

2.9. Ho gà

Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Khi xâm nhập vào đường hô hấp của cơ thể, vi khuẩn bám chặt vào các lông mao ở đường hô hấp trên và giải phóng độc tố để tấn công hệ hô hấp.

Trẻ bị ho gà thường có những cơn ho dữ dội không kiểm soát và khó thở. Sau khi ho, trẻ có xu hướng hít thở sâu để lấy oxy, điều này tạo ra những âm thanh như tiếng rít dài. Ho gà là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng gần như mọi độ tuổi, tuy nhiên bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi chưa được chích ngừa.

Bố mẹ cần làm gì:

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần cách ly trẻ ở nhà và cho trẻ đi khám bác sỹ.

Vệ sinh cá nhân cho trẻ thường xuyên, xử lý các mẫu khăn, giấy chứa dịch tiết của trẻ đúng nơi quy định.

Khi trẻ ho hay hắt hơi cần hướng dẫn trẻ che miệng bằng khăn giấy.

Trường hợp trẻ có triệu chứng tăng nặng, cần cho bé tái khám để được điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng.

Tiêm phòng vaccine cho trẻ để bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của bệnh.

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh ho gà, cần cách ly trẻ ở nhà và cho trẻ đi khám bác sỹ.

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh ho gà, cần cách ly trẻ ở nhà và cho trẻ đi khám bác sỹ.

2.10. Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày (Theo Bộ Y tế). Bệnh tiêu chảy chiếm 1 trong 9 trường hợp trẻ em tử vong trên toàn thế giới, khiến bệnh tiêu chảy trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở trẻ dưới 5 tuổi (theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ).

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây tiêu chảy, nhưng nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân phổ biến. Bệnh có thể do:

Siêu vi, thường gặp do Rotavirus.

Vi khuẩn – chẳng hạn như Campylobacter và Escherichia coli (E. coli), thường có trong thực phẩm bị ô nhiễm.

Ký sinh trùng, ví dụ như Giardia, lây lan trong nước bị ô nhiễm.

Bệnh tiêu chảy được phân chia 4 cấp độ khác nhau dựa trên các đặc điểm về thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của phân như: phân có nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu hay có chất béo,… bao gồm: tiêu chảy cấp tính, mãn tính, thẩm thấu và xuất tiết.

Tiêu chảy cấp tính 

Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm, trong đó virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.

Tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy kéo dài hơn 2-4 tuần được coi là dai dẳng hoặc mãn tính. Ở một người khỏe mạnh, tiêu chảy mãn tính có thể gây phiền toái hoặc trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đối với một người có hệ miễn dịch yếu, hoặc suy giảm miễn dịch thì tiêu chảy mãn tính có thể là nguyên nhân đe dọa đến tính mạng.

Tiêu chảy thẩm thấu

Tiêu chảy do giảm hấp thu dịch, chất điện giải và dinh dưỡng được coi là tiêu chảy thẩm thấu. Mức độ tiêu chảy từ nhẹ đến vừa, khối lượng phân từ 250ml đến 1 lít/ngày. Sự không hấp thu được một chất dinh dưỡng đơn thuần như lactose thường gây ra triệu chứng trướng bụng hơn là tiêu chảy, trừ trường hợp nặng. Hiện tượng tiêu chảy thẩm thấu sẽ dừng lại khi chúng ta ngừng ăn những thực phẩm đó.

Tiêu chảy xuất tiết

Là sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm tăng sự bài tiết và giảm hấp thu hoặc là cả hai. Đối với hiện tượng tiêu chảy này thì việc ngưng ăn không có tác dụng. 

Cha mẹ cần làm gì:

Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm cho bé sau khi bé đi vệ sinh và trước khi ăn; người chăm sóc bé chú ý rửa tay tay trước và sau khi chăm sóc bé.

Làm sạch nhà vệ sinh, bao gồm cả tay cầm và chỗ ngồi, chỗ nằm của trẻ bằng chất khử trùng sau mỗi đợt tiêu chảy.

Tránh để trẻ dùng chung khăn hoặc đồ dùng với các thành viên khác trong gia đình.

Trẻ nên nghỉ học cho đến ít nhất 48 giờ sau đợt tiêu chảy cuối.

Tránh để trẻ uống nước và ăn thức ăn không an toàn và không đảm bảo vệ sinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến cáo tốt cho trẻ. Trẻ bú mẹ ít bị tiêu chảy nhiễm trùng hơn nhiều so với trẻ bú bình.

Cho trẻ từ 2 tháng tuổi đi uống vaccine phòng Rota virus theo đúng lịch khuyến cáo.

Cho trẻ từ 2 tháng tuổi đi uống vaccine phòng Rota virus để phòng bệnh tiêu chảy.

Cho trẻ từ 2 tháng tuổi đi uống vaccine phòng Rota virus để phòng bệnh tiêu chảy.

2.11. Bạch hầu

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Cha mẹ cần làm gì:

Tiêm vaccine bạch hầu là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.

Rèn luyện trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, vệ sinh cá nhân như đánh răng, súc miệng bằng nước muối hằng ngày.

Giữ môi trường sống của trẻ luôn thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng, vệ sinh môi trường cũng như các đồ chơi của trẻ thường xuyên.

Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần thực hiện cách ly trẻ, cho trẻ nghỉ học và đưa đến trung tâm y tế ngay để được điều trị kịp thời.

2.12. Sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh sởi có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Bệnh sởi gây lây lan nhanh với 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa tiêm ngừa. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt bắn có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí. Người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống bám vào bề mặt vật nào đó khi chạm vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng sẽ bị lây bệnh sởi.

Khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.

Bệnh sởi không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hại đến sức khỏe như: Viêm thanh quản; viêm phế quản - phổi; viêm não – màng não – tủy cấp; viêm mũi họng bội nhiễm; lao, bạch hầu, ho gà…

Trẻ sốt cao, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti là triệu chứng của bệnh sởi.

Trẻ sốt cao, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti là triệu chứng của bệnh sởi.

Cha mẹ cần làm gì:

Cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.

Người chăm sóc trẻ cần tự bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Cắt móng tay tránh gãi làm xước da tạo điều kiện cho bệnh lây lan và nặng hơn.

Nhỏ mắt cho trẻ bằng nước muối 0,9% 3 lần/ngày.

Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú kết hợp bổ sung dinh dưỡng hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng).

Nên chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa và chú trọng đến khẩu vị của bé. Trong trường hợp trẻ có xuất hiện tiêu chảy, viêm phổi thì nên bổ sung kẽm trong chế độ ăn. 

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

Thời điểm đo huyết áp cho kết quả chính xác nhất, đây là những việc cần làm khi đo huyết áp tại nhà

8:27 | 21/04/2024

Để có kết quả đo huyết áp chính xác nhất, bạn nên đo vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đa phần mọi người nên thực hiện đo huyết áp vào khoảng 30 phút từ khi thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước bữa sáng.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.