Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Có cần bôi xanh methylen?

11:46 | 18/07/2022

Khi trẻ bị tay chân miệng, mụn nước nổi nhiều trên cơ thể khiến cha mẹ lo lắng và dùng thuốc xanh methylene để bôi lên mụn. Tuy nhiên, thuốc xanh methylen có được bôi khi trẻ bị tay chân miệng?

Theo BSCKI, BS nội trú Đặng Thị Ngoan (Bác sĩ Nhi - Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long), tay chân miệng là bệnh có nguy cơ lây truyền cao và vẫn chưa có thuốc đặc trị vì thế điều trị bệnh chủ yếu nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Các tổn thương trên da có thể xảy ra đối với bệnh nhân bị tay chân miệng.

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Bệnh tay chân miệng thường phát ban các mụn rộp dạng phỏng nước.

Bệnh tay chân miệng thường phát ban các mụn rộp dạng phỏng nước.

1. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua các con đường nào?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng do virus coxsackie virus A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh tay chân miệng truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng (nước bọt, đờm hoặc chất nước mũi), chất lỏng từ mụn nước hoặc bong vảy và phân.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện nên không có khả năng chống lại các virus gây bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.

 Trẻ rất dễ bị mắc bệnh nếu:

– Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

– Trẻ cầm nắm đồ chơi, các vật dụng của trẻ bị bệnh.

– Trẻ tiếp xúc với dịch mũi, dịch bọng nước hoặc phân của người nhiễm bệnh.

– Trẻ bị nhiễm virus qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

2. Bệnh tay chân miệng ở trẻ có biểu hiện như thế nào?

Sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Trẻ có thể lui bệnh, hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày hoặc có biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn… dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và điều trị để tránh tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tay chân miệng bôi xanh methylen có thể vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh.

Tay chân miệng bôi xanh methylen có thể vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh.

3. Trẻ bị tay chân miệng có cần bôi xanh methylen?

Theo Vinmec, khi trẻ bị tay chân miệng, mụn nước sẽ nổi ngày càng nhiều làm cho phụ huynh lo lắng và thường dùng đến biện pháp bôi thuốc xanh methylen. Tuy nhiên, tay chân miệng bôi xanh methylen vô tình che lấp các dấu hiệu, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ và khó theo dõi tình trạng bệnh. Bởi vì chẩn đoán tay chân miệng là nhìn những tổn thương ở trong miệng và ngoài da chứ không xét nghiệm. Đặc biệt, một số gia đình bôi những loại cây cỏ, lá cây hoặc những loại thuốc trôi nổi mà mình không biết được thành phần, cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.

Xanh Methylen là loại thuốc sát khuẩn và giải độc nhẹ, thường được sử dụng để chữa trị một số bệnh như viêm da mủ, nhiễm virus ngoài da,… Thuốc được bào chế thành dạng viên nén, dạng thuốc tiêm hoặc cũng có thể là dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian. 

Thuốc có hiệu quả cao trong việc sát khuẩn, giải độc, làm thuốc nhuộm, điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn ngoài da phổ biến. Đây là loại thuốc khá lành tính, không gây độc hại, trong trường hợp lỡ uống cũng không gây nguy hiểm. Thuốc được hấp thụ qua đường tiêu hóa và thải ra qua nước tiểu, chất thải ra ngoài cũng không có màu.

Cũng theo BSCKI Đặng Thị Ngoan, bệnh tay chân miệng là căn bệnh do siêu vi trùng - virus gây ra, do đó các loại thuốc bôi có tính sát trùng như kháng sinh, cồn, thuốc gây tê đều không có tác dụng với căn bệnh này. Đó là do virus có cấu tạo vỏ ngoài không có lớp lipid bao bọc nên rất bền vững trong môi trường acid như các dung môi hòa tan lipid như cồn, chloroform, ethe. Song nó lại rất dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C, bất hoạt dưới ánh nắng mặt trời, nước có Clo như nước máy, dung dịch formaldehyde, xà phòng,...

Khi bị tay chân miệng, cha mẹ chỉ cần giữ vệ sinh ngoài da cho trẻ, tắm bằng xà phòng hàng ngày, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với các vết loét ngoài da, cần bôi dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm như dung dịch Povidine, thuốc đỏ, thuốc tím, xanh methylen... Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trên, mà cần phải cho trẻ đi khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và kê đơn thuốc sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể của từng bé.

Bên cạnh đó, khi trẻ bị tay chân miệng quan niệm ủ trẻ, hạn chế tắm rửa để trẻ ra ban càng nhiều thì sẽ càng mau lành. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai, bởi nếu ủ trẻ nhiều quá trẻ sẽ bị nhiễm trùng da, để lại sẹo. Trong khi chăm sóc trẻ tay chân miệng cần giữ cho các nốt ban thoáng sẽ mau lành hơn và không để lại sẹo.

4. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

Chế độ ăn uống:

Vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hay mút đồ chơi.

Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng với đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi. Tránh ăn thức ăn cứng, mặn, cay hoặc chua, trái cây quá chua có thể gây ra kích ứng và đau.

Dùng một số loại thuốc:

Thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg, sau 4 - 6 giờ có thể dùng lại nếu còn sốt cao. Nếu trẻ không uống được hoặc khó uống thuốc có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.

Bù nước và điện giải cho trẻ bằng uống dung dịch oresol, hydrite... hoặc uống nước dừa để giúp giảm đau, khó chịu nhưng quan trọng hơn, nhờ lượng kali, chất điện giải cao chính là cách hoàn hảo để ngăn ngừa mất nước.

Thuốc sát khuẩn: Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung thêm vitamin C và kẽm, dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad, zytee...) sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

Với bệnh nhi có triệu chứng não - màng não phải điều trị tại bệnh viện và sẽ được chỉ định dùng thuốc chống co giật như phenobarbital; cho kháng sinh khi trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn và được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng hô hấp.

Với trẻ có biến chứng viêm não, kèm liệt, rối loạn tri giác, co giật phải dùng thuốc chống phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác...

Với bệnh nhi bị suy hô hấp, trụy tim mạch cần được điều trị đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực như thở oxy, thở máy, truyền dịch chống sốc, dobutamin, kháng sinh phòng bội nhiễm, truyền tĩnh mạch lmmunoglobulin (gammaglobulin)...

Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tay chân miệng.

Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi cho trẻ là biện pháp phòng bệnh tay chân miệng.

Vệ sinh sạch sẽ:

Vệ sinh da cho trẻ để tránh bội nhiễm vi khuẩn: Cần phải tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt, tinh dầu chanh...

Cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm.

Khuyên trẻ giữ vệ sinh thật tốt, không cho tay vào miệng, không ngậm đồ chơi.

Vệ sinh kỹ bình sữa và núm vú bình; các đồ chơi trẻ tiếp xúc phải thật sạch.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay với xà phòng trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ và sau khi đi vệ sinh.

Giữ gìn vệ sinh, lau chùi nhà cửa bằng dung dịch cloramin 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

5. Phòng bệnh tay chân miệng

Nếu ở trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành bằng các biện pháp như:

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch, nếu nghi ngờ bệnh cần được cách ly.

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm.

Vệ sinh môi trường sống: Lau phòng ở của bệnh nhân, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Người nhà hay nhân viên y tế cần rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt, sau thăm khám...

Tin cùng chuyên mục

4 dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc hội chứng động mạch vành

4 dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc hội chứng động mạch vành

7:36 | 17/05/2024

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Bệnh động mạch vành xảy ra khi lòng động mạch bị tắc nghẽn dẫn đến cơ tim thiếu dưỡng khí, làm bệnh nhân đau thắt ngực, đau tim thậm chí là tổn thương cơ tim.

Cơ thể mất nước sẽ có những dấu hiệu gì?

Cơ thể mất nước sẽ có những dấu hiệu gì?

7:34 | 15/05/2024

Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày.

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng

7:33 | 11/05/2024

Các bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết nắng nóng là viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang. Phòng ngừa bệnh hô hấp bằng cách uống đủ nước, tiêm phòng vaccine

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.