Bệnh tay chân miệng: Các dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy trẻ cần nhập viện

16:41 | 14/07/2022

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng cấp độ và giai đoạn. Bài viết dưới đây chỉ ra những dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở giai đoạn nặng cha mẹ cần lưu ý.

Theo ThS.BS Nguyễn Công Cảnh, Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng) cho biết, bệnh tay chân miệng trẻ em rất phổ biến và dễ lây lan. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách bệnh tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

1. Tác nhân gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột gây nên. Trong đó có 2 họ thường gặp nhất là virus Coxsackie A 16 và enterovirus 71 (EV71) – trong đó EV 71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít ở người trưởng thành. Virus gây bệnh tay chân miệng sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác. Trẻ rất dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn của người bệnh, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi.

Nổi các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân là dấu hiệu tay chân miệng điển hình ở trẻ.

Nổi các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân là dấu hiệu tay chân miệng điển hình ở trẻ.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do các họ virus nói trên gây ra là có biểu hiện ban đầu gần như giống nhau và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. 

Dựa trên lâm sàng có thể chia bệnh tay chân miệng thành 4 giai đoạn nhận biết đặc trưng: 

Giai đoạn 1: Được xem là giai đoạn ủ bệnh, thường khó nhận biết vì trẻ không có những biểu hiện cụ thể. Thời gian này diễn ra từ 3-7 ngày.

Giai đoạn 2: Được xem là giai đoạn khởi phát, diễn ra từ 1- 2 ngày tiếp theo, khi đó trẻ đã có những biểu hiện cụ thể như sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-40 độ C), mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy, quấy khóc…

Nếu trẻ sốt cao liên tục hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày, rất có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm não ở trẻ. 

Giai đoạn 3: Được xem là giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3 – 10 ngày, kèm theo những triệu chứng rõ ràng hơn. Những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị tay chân miệng là lở loét miệng và phát ban dạng sẩn hồng ban phỏng nước. 

Lở loét miệng: Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban như những chấm đỏ nhỏ ở phía trong miệng, trên đầu lưỡi, hay vòm miệng… Các nốt ban nhanh chóng trở thành bóng nước (2-3mm) và loét ra gây đau khi nuốt, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường và khiến trẻ biếng ăn. 

Phát ban trên da: Xuất hiện những chấm tròn đỏ phẳng hoặc gồ trên mặt da 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục, tập trung chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Đặc điểm của các sang thương da này là thường không ngứa, không đau và đa số không để lại sẹo khi lành.

Các biến chứng về hô hấp, thần kinh, tim mạch thường xuất hiện vào ngày thứ 2 -5 của giai đoạn này. 

Giai đoạn 4: Đây được xem là thời gian lui bệnh (thường vào ngày thứ 7 từ lúc khởi bệnh), trẻ sẽ dần khỏe mạnh và phục hồi nếu không có những biến chứng nguy hiểm. 

Khám bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hạnh Chi

Khám bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hạnh Chi

3. Các dấu hiệu trẻ bị bệnh tay chân miệng ở giai đoạn nặng cần nhập viện

Theo Ths.BS Lê Phan Kim Thoa – Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, trong một số trường hợp bệnh tay chân miệng khi có những diễn biến nặng hơn, sẽ đi kèm những triệu chứng cảnh báo như sốt cao không hạ, trẻ giật mình, kích thích quấy khóc liên tục, co giật, yếu chi, nôn ói liên tục, thở mệt…

Bệnh tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng bệnh tay chân miệng thể nặng sau:

Quấy khóc liên tục kéo dài

Bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15 - 20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ khóc vì bị đau do các nốt lở loét trong miệng nhưng đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

Sốt cao liên tục không hạ

Khi bệnh tay chân miệng trẻ em trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48h và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm độc thần kinh. Khi đó, trẻ cần được một loại thuốc hạ sốt đặc biệt có chứa Ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ.

Hay giật mình

Triệu chứng này chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.

Trẻ bị tay chân miệng có các triệu chứng nặng cha mẹ cần đưa bé đi khám để điều trị kịp thời.

Trẻ bị tay chân miệng có các triệu chứng nặng cha mẹ cần đưa bé đi khám để điều trị kịp thời.

4. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

Hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, do đó chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Theo dõi nhằm phát hiện sớm và điều trị sớm biến chứng.

Đảm bảo về mặt dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hay thuốc xịt gây tê ở miệng hoặc cho trẻ uống Paracetamol khi sốt trên 38ºC với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ.

Sử dụng kem chống ngứa, chẳng hạn như calamine, có thể giúp giảm bớt khó chịu khi phát ban.

Các thương tổn ngoài da của trẻ do phát ban, bỏng nước có thể bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn, súc miệng bằng nước muối loãng.

Tắm rửa vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị tình trạng nhiễm khuẩn.

Cho trẻ uống nhiều nước mát và thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, lỏng.

Cách ly trẻ bị bệnh tay chân miệng với các trẻ khác trong nhà.

Hạn chế cho trẻ gãi vì có thể làm vỡ mụn nước có thể gây nhiễm trùng và có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho trẻ.

Tuy nhiên quá trình điều trị cha mẹ cần lưu ý:

Không sử dụng Aspirin để giảm đau cho trẻ em vì nó có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Kháng sinh sẽ không có tác dụng nên đừng tự ý sử dụng thuốc cho bé.

Không sát trùng bằng chanh hay muối vì có thể sẽ làm trẻ đau và xót, tổn thương da và để lại sẹo.

Vệ sinh đồ chơi cho trẻ là biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng.

Vệ sinh đồ chơi cho trẻ là biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng.

5. Biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 2% (có thể mua tại nhà thuốc) hoặc dung dịch khử khuẩn khác.

Che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Ăn chín, uống sôi và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh.

Cách ly người bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân tránh bội nhiễm.

Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Tái khám 1-2 ngày/lần trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Tin cùng chuyên mục

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

7:27 | 07/05/2024

Sỏi túi mật là một trong những bệnh thường gặp nhất của bệnh lý đường tiêu hóa. Bệnh gần như không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đa phần được tình cờ phát hiện trong những dịp thăm khám khác - chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.

Người bị loãng xương tập gì, kiêng tập gì?

Người bị loãng xương tập gì, kiêng tập gì?

7:26 | 05/05/2024

Loãng xương là một tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương, làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến làm tăng nguy cơ gãy xương. Tập thể dục thường xuyên làm giảm tỷ lệ mất xương và bảo tồn mô xương, giảm nguy cơ gãy xương.

Chống lão hóa bằng tập thể dục

Chống lão hóa bằng tập thể dục

7:26 | 03/05/2024

Các bài tập thể lực và các bài huấn luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) ngoài việc tốt cho sức khỏe còn có thể làm giảm thiểu các triệu chứng của lão hóa ở mức độ tế bào.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.