Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 1130/ATTP-NĐTT đề nghị các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các địa phương tăng cường triển khai, rà soát việc thực hiện việc phân loại sản phẩm, phân nhóm sản phẩm thực phẩm bổ sung theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế về quản lý thực phẩm chức năng và theo hướng dẫn cụ thể tại công văn số 2792/ATTP-SP ngày 14/11/2024 của Cục An toàn thực phẩm về việc hướng dẫn phân loại sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
Bộ Y tế đang xây dựng
dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15 về về quản lý an toàn thực phẩm trong đó đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quảng cáo – vốn đang bị lợi dụng tràn lan. Các sản phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng hiện được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng (KOLs) mà không qua kiểm duyệt.
Sắp tới, các KOLs, nền tảng truyền thông và cả đơn vị phát hành quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sai lệch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng bộ quy tắc đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng.
Đặc biệt, để phù hợp với thực tiễn kinh doanh mới, dự thảo Nghị định sẽ bổ sung vai trò giám sát của nhiều cơ quan khác ngoài Bộ Y tế như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Khoa học – Công nghệ. Các cơ quan này sẽ cùng phối hợp trong hậu kiểm, gỡ bỏ quảng cáo sai lệch, giám sát các phòng kiểm nghiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cùng đó, trong dự thảo Nghị định 15, Bộ Y tế cũng đề xuất quản lý chặt 3 đối tượng: Tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm quảng cáo; đơn vị phát hành quảng cáo và các cá nhân có ảnh hưởng tham gia quảng cáo. Đồng thời, cũng xây dựng bộ tiêu chí ứng xử, đạo đức về quảng cáo để nâng cao trách nhiệm về quảng cáo.