Mang thai mắc cúm A nên ăn gì vừa nhanh khỏi mà lại an toàn?

12:08 | 29/07/2022

Mang thai mắc cúm A có thể gặp các triệu chứng như: sốt, đau họng, đau đầu, chảy nước mũi,… khiến thai phụ rất mệt mỏi. Vậy, phụ nữ mang thai mắc cúm A nên ăn uống thế nào để bệnh nhanh khỏi?

Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây cúm do các chủng virus cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là chủng gây bệnh phổ biến nhất.

Cúm A là bệnh lý thường gặp ở mọi đối tượng và sẽ khỏi sau vài ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, bệnh cúm A ở bà bầu lại rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần có biện pháp phòng tránh hữu hiệu cũng như xử lý nhanh khi xuất hiện các triệu chứng của cúm A.

1. Mang thai mắc cúm A có các triệu chứng 

Nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Viêm họng.

Ho khan.

Một số trường hợp kèm theo sốt vừa phải.

Đau nhức cơ.

Mệt mỏi.

Buồn nôn.

Các triệu chứng cúm có thể xuất hiện trong 2 – 3 ngày hoặc có thể kéo dài đến 1 – 2 tuần tùy vào mức độ nghiêm trọng ở mỗi người. Vì vậy, nếu thấy có các triệu chứng cúm A, thai phụ nên thông báo ngay cho bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi lâu ngày.

Phụ nữ mang thai mắc cúm A thường có triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi.

Phụ nữ mang thai mắc cúm A thường có triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi.

2. Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai mắc cúm A

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm, cơ thể nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, ở giai đoạn đầu thai kỳ, thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể khiến cho mẹ bầu cũng có những thay đổi nhất định. Đặc biệt, mẹ trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh. Hệ thống miễn dịch của mẹ giảm sút khiến mẹ bầu dễ bị ho, cảm lạnh và cúm.

Bên cạnh những nguyên nhân trên, sự thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường sống xung quanh cũng khiến mẹ dễ bị cúm. Việc tiếp xúc với những người đang bị cúm cũng khiến thai phụ bị lây nhiễm chéo do virus gây cúm từ nước bọt, đờm của người bệnh thông qua không khí, lây nhiễm sang người bình thường.

3. Mang thai mắc cúm A nên ăn gì vừa nhanh khỏi mà lại an toàn?

Bên cạnh việc nghỉ ngơi, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phụ nữ mang thai cũng nên bổ sung những thực phẩm tốt cho cơ thể. Thai phụ có thể tham khảo một số nguồn thực phẩm dưới đây:

Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus nên cũng được xem là một phần phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, vốn là một chất chống oxy hóa mạnh nên vitamin C cũng giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm.

Thực phẩm bổ sung vitamin C tốt nhất là trái cây họ cam quýt (cam, chanh, bưởi…), nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối, ổi, kiwi… ; các loại rau như: bông cải xanh, cà chua, ớt chuông…

Thực phẩm nhiều vitamin C giúp đẩy lùi bệnh cúm A.

Thực phẩm nhiều vitamin C giúp đẩy lùi bệnh cúm A.

Thực phẩm chứa nhiều kẽm

Kẽm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng hiệu quả. Bổ sung kẽm cũng là một cách góp phần cải thiện những triệu chứng của một số bệnh về đường hô hấp như bệnh cúm, xoang, viêm phổi…

Những thực phẩm có chứa nhiều kẽm mà thai phụ mắc cúm A nên bổ sung là các loại thịt nạc, sò, hàu, tôm, cua, cá, trứng, sữa,… Một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng có chứa kẽm nhưng thường khó hấp thu hơn những thực phẩm chứa kẽm có nguồn gốc từ động vật.

Một số loại gia vị

Bên cạnh những thực phẩm kể trên, một số loại gia vị cũng có thể mang đến những lợi ích rất tích cực cho các trường hợp đang mắc cúm A, như:

+ Tỏi: Loại gia vị này có chứa allicin, hợp chất sulfur,… rất hiệu quả trong việc kháng khuẩn, tiêu viêm. Do đó, khi ăn tỏi, các triệu chứng ho và nghẹt mũi ở phụ nữ mang thai bị cúm A sẽ được cải thiện đáng kể. Người bệnh nên lưu ý bổ sung tỏi trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách kết hợp với những loại thực phẩm khác.

+ Gừng: Đây không chỉ là một loại thực phẩm, gia vị mà còn là một vị thuốc để chữa rất nhiều bệnh khác nhau. Đối với thai phụ mắc cúm, gừng cũng nên được bổ sung trong thực đơn mỗi ngày. Có thể kết hợp gừng trong các món cháo gà, canh gà hoặc bệnh nhân cũng có thể sử dụng trà gừng để cải thiện triệu chứng cúm.

+ Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn đồng thời tăng cường sức đề kháng. Vì thế cũng được đánh giá là loại thực phẩm có lợi đối với bệnh nhân cúm A. Có thể làm trà mật ong gừng, mật ong chanh tươi cùng nước ấm để giảm ho và giảm đau họng.

Các loại thực phẩm bà bầu nên ăn:

Súp gà: Gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng vì vậy súp gà có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt cho phụ nữ mang thai. Gà có tính kháng viêm nhẹ nên có thể giúp giảm tiết chất nhầy và sưng cổ họng đồng thời sẽ giúp tăng nhiệt độ cơ thể bà bầu, giúp tránh bị nhiễm lạnh.

Cháo trứng, hành và tía tô: Cháo là một trong những thực phẩm được chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai bị cúm nên ăn. Trứng, hành và tía tô kết hợp với nhau có tác dụng giải cảm hiệu quả. Hành có tác dụng tan lạnh, thông khí, sát trùng và an thai, còn tía tô có tác dụng giảm buồn nôn và đau họng. Trứng cung cấp nhiều dưỡng chất và protein nên thích hợp để bà bầu chọn ăn khi bị cúm.

Súp gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Súp gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Bị cúm A, bà bầu không được ăn gì?

Thực phẩm lạnh: Ăn quá nhiều thực phẩm lạnh sẽ không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với những thai phụ đang bị cúm. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh thì sẽ gây tổn thương đến phổi. Khi phổi bị tổn thương, các triệu chứng của cúm càng nặng hơn. Ngoài ra, ăn thực phẩm lạnh có thể gây tổn thương tì vị và khiến cho chức năng của tì bị suy giảm.

Đồ tanh: Nếu đang bị cúm mà ăn nhiều đồ tanh như tôm, cua, cá thì bệnh sẽ càng thêm nặng, đặc biệt là với những trường hợp cúm kèm ho. Nguyên nhân là do hệ hô hấp rất dễ bị kích thích bởi đồ tanh.

Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Khi bị cúm, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, chức năng của hệ tiêu hóa yếu hơn. Do đó, nếu ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ sẽ tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa gây khó tiêu, đau bụng. Khi hệ tiêu hóa làm việc không hiệu quả, cơ thể cũng sẽ mệt mỏi, không cung cấp đủ dinh dưỡng khiến cho bệnh thêm nặng và lâu khỏi hơn.

Đồ quá mặn hoặc quá ngọt: Những thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt sẽ làm cho cơ thể thai phụ mắc cúm bị nóng, cơn ho sẽ dai dẳng và cũng lâu khỏi hơn.

4. Cách hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cho bà bầu

Hàng ngày phụ nữ mang thai nên rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý. Nước muối sẽ giúp giữ vệ sinh mũi họng và giúp loại bỏ vi khuẩn nếu có.

Thai phụ nên uống đủ nước (khoảng 2l – 3l), ngủ đủ giấc (8 tiếng) để giúp trao đổi chất cơ thể được tốt và cơ thể được nghỉ ngơi, từ đó giúp thai phụ mạnh khỏe, tăng sức đề kháng để ngăn chặn vi khuẩn, virus xâm nhập.

Tăng cường bổ sung vitamin C từ thức ăn hàng ngày, đặc biệt là từ rau lá xanh đậm như bông cải xanh, cải ngọt, các loại quả có múi như chanh, cam, bưởi…

Trước khi có thai nên tiêm vaccine phòng cúm.

Nếu có biểu hiện của cúm hãy đi khám ngay để được chỉ dẫn cách điều trị an toàn, hiệu quả

Tin cùng chuyên mục

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

Điều trị tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân

8:30 | 27/04/2024

Theo Đông y, tóc bạc sớm do nhiều nguyên nhân gây ra như can thận khuy tổn, doanh huyết có hư nhiệt, can uất khí trệ… và việc trị bệnh cũng tùy thuộc vào từng căn nguyên mà có phương pháp phù hợp.

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Thêm một loại rau 'hoàng đế' bổ ngang nhân sâm, tổ yến, đây là 9 công dụng tuyệt vời với sức khỏe

7:29 | 25/04/2024

Măng tây được biết có đặc tính chống viêm, giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường týp 2...

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

Đo huyết áp, huyết áp cao bao nhiêu thì cần dùng thuốc?

7:28 | 23/04/2024

Người bệnh cao huyết áp cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp về việc có cần uống thuốc hay không.

Ảnh-Video-Emagazine

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bác sĩ 'mũ nồi xanh' Việt Nam khám bệnh miễn phí cho người dân ở Bentiu, Nam Sudan

Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.