Món ăn bài thuốc phòng và trị cảm lạnh

7:41 | 26/12/2024

Cảm lạnh là bệnh lý thường gặp, đặc biệt vào mùa đông hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Theo y học cổ truyền, cảm lạnh (phong hàn phạm phế), chủ yếu do phong hàn xâm nhập vào cơ thể suy nhược hoặc vệ khí (khả năng phòng ngừa bệnh) suy yếu.

Phong hàn thường tác động đến kinh Phế, gây rối loạn khí cơ và dẫn đến các triệu chứng như sợ lạnh, ho, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, thậm chí sốt nhẹ…

Nguyên tắc điều trị cảm lạnh trong y học cổ truyền là khu phong, tán hàn, giải biểu và điều hòa khí huyết.

1. Món ăn bài thuốc từ gừng giúp phòng và trị cảm lạnh

 

 

Thời tiết lạnh nhiều người dễ mắc cảm lạnh với các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi...

Gừng (sinh khương) có tính ấm, vị cay, quy kinh Phế, Tỳ, Vị. Gừng có tác dụng tán hàn, giải biểu, ôn trung, và hành khí, đặc biệt, gừng còn có tác dụng giảm buồn nôn, chống viêm và làm ấm cơ thể vào mùa đông.

Ứng dụng:

- Trà gừng: Thái 5-7 lát gừng tươi, đun sôi với nước, thêm mật ong hoặc đường phèn, uống khi còn ấm.

- Cháo gừng: Nấu cháo trắng, thêm vài lát gừng tươi vào cuối, ăn nóng để làm ấm người, kích thích toát mồ hôi.

2. Món ăn bài thuốc từ tía tô (tô diệp)

Lá tía tô cũng là một trong những vị thuốc y học cổ truyền có nhiều tác dụng trong phòng và điều trị cảm lạnh. Tía tô có tính ấm, vị cay, quy kinh Phế, Tỳ; công dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), giải biểu, hành khí, chỉ ho và giảm đầy bụng; đặc biệt, tía tô giúp làm ấm cơ thể và cải thiện các triệu chứng cảm lạnh do phong hàn.

Ứng dụng:

- Nước tía tô: Lá tía tô tươi 15-20g, rửa sạch, nấu với 300ml nước, uống khi còn ấm.

- Cháo tía tô: Thêm lá tía tô thái nhỏ vào cháo nóng, ăn liền sau khi chế biến.

 

 

Nước tía tô giúp làm ấm cơ thể và cải thiện các triệu chứng cảm lạnh do phong hàn.

3. Món ăn bài thuốc từ cát căn (sắn dây)

Sắn dây có tính mát, vị ngọt, quy kinh Tỳ, Vị; tác dụng giải cơ, hạ nhiệt, thăng dương khí và sinh tân dịch. Vị thuốc này đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm sốt, đau đầu và cải thiện triệu chứng khát nước do cảm lạnh.

Ứng dụng:

- Nước sắn dây: Bột sắn dây 20g khuấy đều với nước ấm, uống 2 lần/ngày.

- Canh cát căn: Sắn dây tươi thái nhỏ, hầm cùng thịt gà để bổ khí và giải cảm.

 

 

Nước sắn dây hỗ trợ giảm sốt, đau đầu và cải thiện triệu chứng khát nước do cảm lạnh.

4. Món ăn bài thuốc từ kinh giới

Theo y học cổ truyền, kinh giới có tính ấm, vị cay, quy kinh Can, Phế. Sử dụng kinh giới giúp giải biểu, tán phong, chống viêm và cầm máu. Vị dược liệu này thường được dùng để giảm sốt, đau đầu và trị cảm lạnh do phong hàn.

Ứng dụng:

- Nước kinh giới: Dùng 10g kinh giới khô đun với 300ml nước, uống nóng.

- Xông hơi kinh giới: Kinh giới, tía tô, lá sả mỗi loại 20g, nấu với 1 lít nước, dùng xông hơi để làm ấm và giải cảm.

5. Món ăn bài thuốc từ hành (thông bạch)

Tương tự các vị thuốc trên, hành vừa là gia vị quen thuộc trong mỗi căn bếp, vừa là vị dược liệu có tác dụng tốt trong phòng và trị cảm lạnh. Hành có tính ấm, vị cay, quy kinh Phế, Vị; tác dụng phát hãn, thông dương, giải biểu, giảm đầy bụng và chống cảm lạnh do hàn.

Ứng dụng:

- Cháo hành: Nấu cháo trắng, thêm hành lá thái nhỏ và vài lát gừng, ăn nóng để giải cảm.

- Nước hành: Hành lá tươi 20g, thái nhỏ, hãm với nước sôi, uống khi còn ấm.

 

 

Cháo hành tác dụng phát hãn, thông dương, giải biểu, giảm đầy bụng và chống cảm lạnh do hàn.

6. Món ăn bài thuốc từ quế chi

Quế chi có tính ấm, vị cay ngọt, quy kinh Tâm, Phế, Bàng quang. Quế chi giúp tán hàn, giải biểu, ôn thông kinh mạch, làm ấm cơ thể và cải thiện triệu chứng nhức mỏi do cảm lạnh.

Ứng dụng:

- Nước quế chi: 5g quế chi, đun với 500ml nước, uống nóng.

- Cháo quế chi: Thêm bột quế chi vào cháo nóng, ăn để giảm cảm giác lạnh và đau nhức.

7. Món ăn bài thuốc từ cam thảo

Một trong những vị thuốc giúp bổ khí, tăng sức đề kháng trong mùa đông không thể không nhắc tới cam thảo. Cam thảo tính bình, vị ngọt quy kinh Tâm, Tỳ, Phế, Vị. Dược liệu này có tác dụng giải độc, hòa hoãn, bổ khí, tăng sức đề kháng và làm dịu các triệu chứng ho, đau họng do cảm lạnh.

Ứng dụng:

- Nước cam thảo: 5g cam thảo khô, đun với nước, uống ấm.

- Hãm trà: Kết hợp cam thảo, cát căn và táo đỏ để pha trà, uống giúp tăng cường đề kháng.

8. Một số lưu ý khi phòng và điều trị cảm lạnh

- Không nên lạm dụng các dược liệu có tính cay nóng như gừng, quế chi trong thời gian dài, tránh tổn thương âm.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc trên cho phụ nữ mang thai, người cho con bú, trẻ nhỏ hay những người có nhiều bệnh lý nền.

- Kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, sử dụng các vị thuốc có tính ôn bổ như hoàng kỳ, nhân sâm để tăng cường sức đề kháng.

- Hạn chế tiếp xúc với gió lạnh, mưa hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột; mặc ấm và chú trọng vùng cổ, ngực, bàn chân khi đi ra ngoài.

Bên cạnh việc sử dụng các vị thuốc đã nêu ở trên, để phòng và trị cảm lạnh, bạn có thể kết hợp với các phương pháp khác như:

- Xông hơi: Dùng các loại lá như kinh giới, tía tô, bạc hà, sả để xông hơi.

- Bấm huyệt: Day ấn huyệt Hợp cốc, Phong trì và Thái dương để giảm đau đầu, nghẹt mũi và làm thông kinh khí.

- Khí công, dưỡng sinh: Thực hành khí công, tập các bài thở chậm rãi để cân bằng khí huyết, giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn sau cảm lạnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc bảo vệ cơ thể trước tác động của phong hàn và duy trì sức khỏe toàn diện là cách hiệu quả để ngăn ngừa cảm lạnh và các bệnh lý khác trong mùa lạnh.

Tin cùng chuyên mục

5 lý do nên uống nước ép gừng vào buổi sáng

5 lý do nên uống nước ép gừng vào buổi sáng

7:42 | 30/12/2024

Gừng là loại thảo mộc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Uống nước ép gừng mỗi sáng là một cách tuyệt vời để tận dụng các lợi ích y học của gừng, thúc đẩy sức khỏe tổng thể và giải quyết các vấn đề sức khỏe cụ thể.

5 vị thuốc giúp tăng sức đề kháng trong mùa lạnh

5 vị thuốc giúp tăng sức đề kháng trong mùa lạnh

7:40 | 24/12/2024

Các vị thuốc từ thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng, giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với mùa đông.

Các trường hợp không nên ăn cải thảo

Các trường hợp không nên ăn cải thảo

7:39 | 20/12/2024

Cải thảo là loại rau quen thuộc đặc biệt được ưa thích trong mùa thu đông. Đây là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thế nhưng, ai không nên sử dụng loại rau này?