23 ngày Việt Nam không ca nhiễm cộng đồng, Đà Nẵng chính thức chuyển trạng thái bình thường

Từ hôm nay, 25/9, Đà Nẵng chuyển trạng thái kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Mọi hoạt động tạm dừng để phòng, chống dịch trở lại bình thường nhưng phải có cam kết và thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Tính đến 6 giờ ngày 25/9, Việt Nam có tổng cộng 1.069 ca mắc COVID-19,  trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Đã có 991 ca khỏi bệnh trong tổng số 1.069 ca dương tính.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 21.842 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 1.653 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.586 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 6.603 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 4 ca, lần 2 là 14 ca, lần 3 là 12 ca. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Đã có 23 ngày liên tiếp không phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng. 

Trước đó, ngày 18/9, thành phố Đà Nẵng cho phép nhiều hoạt động được trở lại bình thường trừ các hoạt động vũ trường, quán bar, pub, karaoke, massage tiếp tục tạm dừng.

Ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp này.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

 Chú trọng phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, quyết không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế. Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.

Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng thật gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm ngay ở phạm vi cần thiết, kịp thời truy vết nhanh, bảo đảm ngăn chặn, kiên quết không để dịch lây lan trên diện rộng...