Bắc Kạn: Sở Y tế tiết lộ nguyên nhân bất ngờ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm

Bảo quản thực phẩm sai cách, thậm chí lấy nhầm phải những cây có độc như cây thương lục, rễ cây lá ngón để làm thực phẩm... là các nguyên nhân trái khoáy được Sở Y tế Bắc Kạn chỉ ra sau các vụ ngộ độc gây hại cho nhiều người.

Theo báo cáo ban đầu của Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng đối với người mắc. Gần đây nhất, vụ ngộ độc thực phẩm gần đây xảy ra vào ngày 9/7, tại một gia đình ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn khiến cho 8 người phải nhập viện, trong đó 2 bệnh nhân phải chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Nguồn thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc là cơm, cá trắm rán, đầu đuôi cá nấu canh với quả sấu; gỏi cá, lòng cá, mật cá nấu với lá cây mật gấu; ngoài ra còn có thịt lợn, cá chỉ vàng, cà muối và rượu trắng do gia đình tự nấu.

Sau bữa ăn, mọi người đã có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lợm giọng, buồn nôn, nôn, mệt lả và hôn mê. Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, ngành Y tế đã khẩn trương cấp cứu người bệnh, đồng thời tiến hành điều tra, lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Vụ ngộ độc xảy ra tối ngày 9/7, khiến 8 người trong một gia đình ở TP Bắc Kạn nhập viện (ảnh TS).

Ngoài vụ ngộ độc nêu trên, đôi khi bà con chủ quan lấy nhầm lá, rễ… cây rừng có độc mang về sử dụng, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thương tâm. Tỉnh Bắc Kạn những năm gần đây cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc, do độc tố tự nhiên như, rượu ngâm sâm, ngộ độc nấm, rau rừng,…

Theo ông Nguyễn Thanh Cao - Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn) cho biết, các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh xảy ra xuất phát từ một số nguyên nhân như do vi sinh vật, với điều kiện nhiệt độ tương đối cao từ cuối mùa xuân đến cuối mùa thu, nhiệt độ dao động khoảng từ 25 - dưới 40 độ, vi sinh vật phát triển rất nhanh, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng sinh độc tố. Vì vậy, nếu bà con bảo quản thực phẩm không đúng cách, nhất là ở nhiệt độ cao, để qua đêm mà không cho vào tủ lạnh, vi sinh vật sẽ phát triển và gây ngộ độc.

Đối với nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, ông Cao khuyến cáo bà con cần bảo quản thực phẩm đúng cách. Nếu thực phẩm để qua đêm, cần bảo quản trong tủ lạnh, không nên để ở nhiệt độ ngoài trời quá 4h vì nguy cơ gây ngộ độc rất cao, trước khi sử dụng phải hâm nóng.

Ông Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tới thăm hỏi, động viên người mắc ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn.

Ngoài ra, bà con cũng hay tự ý lấy các loại củ, quả, rễ cây để ngâm hoặc nấu nước uống. Do không biết rõ nên có thể lấy nhầm phải những cây có độc như cây thương lục, rễ cây lá ngón. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, bà con nên cảnh giác cao, không nên tự ý hái hoặc lấy các loại rễ cây mà không rõ các loại độc tính để sử dụng.

Đặc biệt không nên ăn nấm rừng vì trong thời gian từ mùa xuân tới cuối mùa thu, có nhiều loại nấm rừng bà con thường hay lấy về để ăn, tuy nhiên nấm độc có thể mọc lẫn trong đó, rất khó phân biệt. Đáng lưu ý, khi nấm còn non rất khó có thể phân biệt được nấm độc với nấm ăn được. Đối với củ ấu tầu dùng để xoa bóp ngoài da, thế nhưng có một số người lấy về để uống cũng dẫn tới ngộ độc và phải đi cấp cứu.

Trong thời điểm giao mùa xuân - hè thường hay xảy ra tình trạng sâu bệnh phá hoại mùa màng, bà con nông dân thường hay sử dụng các loại chất kích thích để phun diệt sâu bọ, thời gian cách ly chưa đủ nhưng đã bán ra ngoài thị trường, dẫn tới một số vụ ngộ độc thực phẩm do thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ các loại rau trước khi mua, nhất là trong thời điểm hiếm rau càng nên thận trọng với các loại rau có hình thức đẹp, tươi tốt vì rất có thể tiềm ẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép.