Bé gái 12 tuổi có thai với bé trai 15 tuổi và chuyện những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải... làm mẹ

Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống…

Thực tế, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế. Theo đó, chỉ có khoảng 20,7% sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề về sức khỏe, mà còn làm mất đi tiềm năng ở các em gái, rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến những bà mẹ trẻ và cộng đồng nơi họ sinh sống chìm trong cảnh đói nghèo...

Mặt khác, các chuyên gia sản khoa cũng cho rằng, làm mẹ sớm ở tuổi vị thành niên, các bạn trẻ dễ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. Việc phải vượt qua cuộc sinh nở khó khăn cũng như cơn đau đẻ chưa từng có khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang. Nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các cô gái trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nhược cơ thể và nhiều hệ lụy khác.

Từ thực trạng trên, BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết: "Để giảm thiểu tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, chúng ta cần thực hiện đầu tư sớm một cách có chiến lược vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cuộc sống của trẻ em gái vị thành niên, đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em. Việc này sẽ tạo ra vô số các tác động tích cực tới cuộc sống của các em, giúp làm giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn cũng như tránh được nhiều hệ lụy nguy hiểm cho các em".

Cùng với đó, thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng chống HIV cho vị thành niên. Cần đảm bảo rằng, các dịch vụ này được cung cấp tới vị thành niên một cách tế nhị, đảm bảo bí mật, không mang tính phán xét và không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế.

Ngoài ra, theo BS Mai Xuân Phương, cần ngăn ngừa kết hôn sớm bằng cách nâng tuổi kết hôn tối thiểu lên 18 tuổi, đảm bảo rằng các em gái được đi học và khuyến khích các em tham gia học trên bậc tiểu học.

Đồng thời, tạo ra các chương trình có mô hình không gian an toàn cho các em gái gặp gỡ nhau và gặp gỡ các cán bộ tư vấn - đây cũng là nơi thực hiện nội dung các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nơi học tập, chăm sóc sức khỏe trẻ em và là nơi các em có thể tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.