Bí thư Hà Nội: Việc mở cửa trường học cần linh hoạt nhưng không chủ quan

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Hà Nội nên tính đến chiến lược giáo dục và kế hoạch điều tiết lại đời sống tinh thần cho người dân để thích ứng tình hình mới, trong đó có việc xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường khi đã cơ bản kiểm s

Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 14/10.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trước mắt có thể tính toán cho học sinh khu vực ngoại thành trở lại trường trước. Vì nhiều huyện ngoại thành hiện là các vùng xanh, trong nhiều ngày không có ca lây nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, thành phố vẫn đang đứng trước những rủi ro lây lan dịch bệnh nên việc mở cửa trở lại cần linh hoạt nhưng không được chủ quan. Việc cho học sinh đi học trực tiếp cần phải đánh giá, phân loại các vùng để có phương án cho học sinh trở lại dần, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.

Từ đầu tháng 5, học sinh Hà Nội dừng đến trường do COVID-19 bùng phát. Đến nay, Thủ đô vẫn thuộc nhóm 32 địa phương chưa thể cho học sinh trở lại trường, phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Cùng ngày, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận, vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể để cho học sinh trở lại trường. Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để đón học sinh đi học trở lại. Trong các kịch bản, có phương án cho học sinh ở vùng xanh thuộc các huyện ngoại thành trở lại trường trước. Một phương án khác là cho học sinh các lớp đầu, cuối cấp học, lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trở lại trường trước.

Quan điểm chung của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện năm học 2021 - 2022 là cần linh hoạt, thích ứng trong việc chuyển trạng thái. Cụ thể là sẵn sàng để có thể nhanh chóng chuyển đổi hình thức dạy học: trực tiếp hoặc trực tuyến, qua truyền hình, trong đó phải tranh thủ tận dụng tối đa "thời gian vàng" là khi dịch bệnh kiểm soát được, học sinh được an toàn để trở lại trường củng cố kiến thức, thực hiện những hoạt động dạy học, giáo dục cần triển khai trực tiếp.

Tính đến ngày 12/10, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021, Chính phủ yêu cầu những vùng kiểm soát được COVID-19 và bảo đảm an toàn cần tổ chức dạy và học trực tiếp ngay từ tháng 10, đồng thời giao GD&ĐT cùng với các cơ quan, địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn khi học sinh trở lại.