BN416 hai phổi đông đặc khó hồi phục, nặng hơn cả bệnh nhân phi công Anh

Hiện bệnh nhân 416 phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở. Đánh giá trên siêu âm phổi cho thấy đông đặc phổi của bệnh nhân còn nhiều và có tình trạng xơ phổi.

Bệnh nhân được đặt ECMO - thiết bị tim phổi nhân tạo - một ngày (24/7) trước khi chính thức được công bố dương tính SARS-CoV-2 (25/7), do diễn biến tăng nặng rất nhanh. Ngày 6/8, bệnh nhân này được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Đến nay, người đàn ông 57 tuổi đã có 31 ngày chạy ECMO.

BS Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường cho Đà Nẵng) cho biết, trong quá trình điều trị, hôm 18/8, bệnh nhân chuyển âm tính một lần với SARS-CoV-2, tuy nhiên từ 20-24/8, bệnh nhân lại dương tính 3 lần. Từ hôm qua, 24/8, bệnh nhân được dùng thêm hai loại thuốc được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ra để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.

BS Linh cũng cho hay tiên lượng lâu dài, quá trình điều trị của bệnh nhân còn rất nhiều khó khăn phía trước, tiên lượng tử vong rất cao. Khả năng cai ECMO của người đàn ông 57 tuổi này khó khả dĩ.

Từ điểm cầu Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia buổi hội chẩn, đại diện lãnh đạo Bệnh viện này nhận định trường hợp bệnh nhân 416 còn nặng hơn, khó hơn cả bệnh nhân 91 - người từng có thời gian điều trị kỷ lục tại Việt Nam, cũng từng tiên lượng tử vong cao nhưng sau đó hồi phục kỳ diệu và trở về nước.

"Điểm khác biệt là bệnh nhân 91 không có bệnh nền nhiều như bệnh nhân 416. Bệnh nhân này vẫn dương tính SARS-CoV-2 sau hơn 1 tháng điều trị. Các thay đổi về thông số không đáp ứng, bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, hình ảnh Xquang phổi của bệnh nhân cho thấy đã xơ phổi, không còn là phổi đông đặc có khả năng hồi phục" - điểm cầu Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra nhận định.

Các bác sĩ cũng đưa ra giả thuyết, chờ bệnh nhân sạch hoàn toàn SARS-CoV-2, đánh giá thể tích, chức phổi, cùng các điều kiện khác để tính toán khả năng ghép phổi.